PrintAaa

Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công làm việc với Bộ Nội vụ

08:42 30/10/2017
hiều ngày 28/10, tại trụ sở Bộ Nội vụ, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công dẫn đầu Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo có buổi làm việc với Bộ Nội vụ để nghe báo cáo tình hình triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, đồng thời, trao đổi, thảo luận, góp ý vào các nội dung của Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương là thành viên của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (Ban Chỉ đạo).
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi làm việc

Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí Thứ trưởng; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trình bày Báo cáo triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (Báo cáo) và dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp (Đề án).
 
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc

Theo Báo cáo, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; trình Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã ban hành nhiều văn bản như quyết định, kế hoạch, tổ chức hội nghị, tổ chức đoàn khảo sát, xây dựng các chuyên đề nghiên cứu về tiền lương,…

Báo cáo cũng chỉ ra những nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới, đánh giá những thuận lợi, khó khăn khi xây dựng Đề án.

Đối với dự thảo Đề án, Bộ Nội vụ cũng đã nêu bật được quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách chính sách tiền lương; Thực trạng chính sách tiền lương hiện hành; Nội dung cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, đồng thời, đặt ra tiến độ thời gian và tổ chức phân công các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Dự thảo Đề án nhấn mạnh, mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương phải trở thành nguồn thu nhập chính, ổn định và là động lực khuyến khích người hưởng lương từ ngân sách nhà nước yên tâm công tác, tận tâm, tận tụy và có trách nhiệm trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ, góp phần quan trọng vào phòng, chống tham nhũng…

Phát biểu chỉ đạo phần thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về thực trạng chính sách tiền lương, những bất cập trong việc thực hiện; kinh nghiệm quốc tế về cải cách chính sách tiền lương; về các quan điểm, nguyên tắc cải cách; về nội dung Đề án; làm rõ vấn đề trả lương theo vị trí việc làm; về các loại phụ cấp; lộ trình thực hiện…

Phát biểu thảo luận, các đại biểu đều có chung quan điểm là việc xây dựng Đề án là rất khó, với nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, đồng thời, nhấn mạnh đến nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương.

Các đại biểu cũng cho rằng, bố cục, nội dung của Đề án cần được tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh. Việc xây dựng chế độ tiền lương chung cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang là chưa hợp lý, cần có sự phân biệt, tách bạch rõ ràng hơn. Đối với hệ thống các loại phụ cấp hiện hành, các đại biểu cho rằng, có quá nhiều loại, chồng chéo, điều đó làm méo mó hệ thống tiền lương. Đề nghị Bộ Nội vụ hệ thống hóa các loại phụ cấp, xem xét, nghiên cứu những loại phụ cấp nào mang tính ổn định, thường xuyên thì đưa vào lương, chỉ để tồn tại những loại phụ cấp mang tính đặc thù và không thường xuyên.

Việc cải cách chính sách tiền lương cần phải xác định lộ trình, bước đi cụ thể, hợp lý. Xây dựng và làm rõ mối tương quan giữa chính sách tiền lương của cán bộ, công chức với viên chức và lực lượng vũ trang. Đối với người hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, các đại biểu đề nghị khi tăng lương cơ sở chỉ tính phần trượt giá để tăng chứ không nên tăng đồng đều. 

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung các kinh nghiệm quốc tế về cải cách chính sách tiền lương và đẩy nhanh việc khảo sát kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là các nước có chế độ chính trị tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc…

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ đối với những nhiệm vụ đã và đang triển khai liên quan đến Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp. 

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ cần phải xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành và địa phương về tình hình thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trong đó phải tổng hợp được những kiến nghị, đề xuất; đánh giá những ưu điểm, những hạn chế còn tồn tại, đồng thời phải chắt lọc thông tin để đưa vào Đề án. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng cần phải xây dựng báo cáo kinh nghiệm quốc tế về cải cách chính sách tiền lương, đặc biệt nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của Trung Quốc.

Nội dung của Đề án cần tập trung đánh giá thực trạng để làm căn cứ cho những đề xuất, kiến nghị đối với những nội dung cải cách, phải đánh giá được những mặt đã làm được, những hạn chế còn tồn tại; xác định rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, nghiên cứu các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiền lương để cụ thể hóa bằng một nghị quyết về tiền lương.

 Phó Thủ tướng cũng đề nghị khi xây dựng Đề án cần phân biệt hệ thống tiền lương với bảo hiểm xã hội nhưng phải đặt trong mối tương quan với nhau. Mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương đảm bảo đúng quan điểm của Đảng nhưng phải đơn giản, dễ áp dụng. Nghiên cứu thang bảng lương và bội số lương phù hợp trong mối tương quan với kinh tế thị trường.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nội vụ rà soát chế độ phụ cấp, những loại phụ cấp thường xuyên, có tính ổn định thì đưa vào lương, những loại phụ cấp nào mang tính đặc thù, không thường xuyên thì giữ lại. Nghiên cứu vấn đề tiền thưởng, có chế quản lý và kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu lộ trình và điều kiện tổ chức thực hiện cho phù hợp.
 
Quang cảnh buổi làm việc


Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sớm xây dựng được 03 sản phẩm đó là: Đề án hoàn chỉnh; dự thảo tờ trình Chính phủ; dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, xây dựng tờ trình trình Ban Cán sự đảng Chính phủ đề xuất tách riêng các nội dung trong Đề án thành 03 Đề án, đó là, Đề án về tiền lương; Đề án về Bảo hiểm xã hội và Đề án về ưu đãi người có công. Khẩn trương tổ chức các đoàn khảo sát trong nước và quốc tế; đối với địa phương chú trọng khảo sát tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; đối với nước ngoài, chú trọng nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của Trung Quốc. Thời gian từ nay đến cuối năm 2017, Bộ Nội vụ cần tổ chức một số cuộc hội thảo trong nước và quốc tế để lấy ý kiến đa chiều, phục vụ việc xây dựng Đề án.

     Tin, ảnh: Thanh Tuấn

Theo http://www.moha.gov.vn