PrintAaa

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính

07:45 21/02/2019
Chiều ngày 20/02, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và Thứ trưởng Trần Anh Tuấn chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. 

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu trung thảo luận, làm rõ một số nội dung như: trình tự, thủ tục được quy định trong các dự thảo Nghị quyết; việc sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị; giải pháp về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức sau khi sắp xếp…
 
Quang cảnh Hội thảo

Theo các đại biểu, mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 37 đã rất rõ ràng, do đó, trong dự thảo các Nghị quyết phải thể hiện rõ mục tiêu của việc sắp xếp là giảm chi ngân sách, tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, dự thảo các Nghị quyết không có thời hạn của các cơ quan khi trình, thẩm định, thẩm tra.

Về tên gọi Nghị quyết của Chính phủ, một số đại biểu đề nghị đổi tên thành “Nghị quyết hướng dẫn thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021”. 

Các đại biểu cũng cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân tại các địa phương được sắp xếp lại là rất khó khăn, phức tạp. Cùng với đó, nếu không khuyến khích việc sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị và nâng cấp đơn vị hành chính sau sắp xếp lên đô thị thì cũng khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu được sắp xếp và nâng cấp thì phải quy định thời hạn là 05 năm hoặc 10, các đơn vị hành chính này cần được rà soát, nếu không đạt các tiêu chí của đô thị thì phải hạ bậc.

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức sau sắp xếp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, do đó, cần phải xây dựng các văn bản của Chính phủ quy định. Cùng với đó, đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng mẫu đề án để thống nhất chung trong toàn quốc, vừa thuận tiện cho các địa phương xây dựng, vừa thuận tiện cho việc thẩm định…
 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng phát biểu tại Hội thảo

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng đề nghị, tên Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đổi thành “Nghị quyết tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021”  và Nghị quyết của Chính phủ cần được hướng dẫn chi tiết hơn để tạo điều kiện cho các địa phương triển khai một cách thuận lợi nhất. Cùng với đó, Nghị quyết của Chính phủ cần có lộ trình và chia ra các mốc thời gian để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Về đặt tên địa danh của đơn vị hành chính sau sắp xếp, Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện thuận lợi. 

Nguyên Thứ trưởng Trần Hữu Thắng cũng ủng hộ chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính phường với xã thì nên để là phường; sắp xếp đơn vị hành chính huyện với thị xã thì nên nâng cấp lên thành phố.
 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đề nghị, cần xây dựng các dự thảo Nghị quyết, kế hoạch một cách chặt chẽ, đảm bảo thực hiện bằng được Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Bên cạnh đó, không nên quy định khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định … mà quy định rõ những địa phương nào không đủ tiêu chuẩn thì phải thực hiện sắp xếp, những địa phương nào chưa đạt tiêu chuẩn thì không được sắp xếp, tránh tình trạng các địa phương vì muốn lập thành tích mà thực hiện ở quy mô rộng, gây xáo trộn nhiều mặt của xã hội.

Nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng lưu ý, phải ngăn ngừa tuyệt đối việc đề bạt, bổ nhiệm lúc giao thời, tránh làm biên chế và tổ chức bộ máy tăng. Chỉ nên khuyến khích các đơn vị hành chính sau sắp xếp tổ chức bộ máy gọn nhẹ, tinh giản biên chế.

Về lấy ý kiến Nhân dân đã được pháp luật quy định nhưng trong thực tế sẽ rất khó khăn khi thực hiện, do đó, cần có quy định để cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm vận động, thuyết phục Nhân dân để tạo sự đồng thuận.

Nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu Đề án để có cơ sở khoa học cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh; nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.
 
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến của các đại biểu đã làm rõ thêm một số vấn đề, giúp Bộ Nội vụ có cơ sở nghiên cứu, tổng hợp.

Bộ trưởng đề nghị Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu để đặt tên Nghị quyết cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Xác định đây là các Nghị quyết tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, do đó, kết cấu của các Nghị quyết cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp. Những vấn đề đã được các văn bản trước quy định thì không đưa vào các dự thảo Nghị quyết, chỉ đưa vào các vấn đề mới đặt ra.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 37 theo nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau”. Các địa phương có thể làm tờ trình sắp xếp đơn vị hành chính thành nhiều đợt, mỗi đợt có thể sắp xếp nhiều đơn vị hành chính khác nhau, không nhất thiết chỉ làm một lần cho tất cả các đơn vị được sắp xếp.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị, dự thảo các Nghị quyết cần đặc biệt lưu ý các tiêu chuẩn, điều kiện để sắp xếp. Cần tập trung quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về sáp nhập các đơn vị hành chính huyện với thị xã hay đơn vị hành chính xã với phường cần ưu tiên nâng cấp. Đề nghị Tổ biên tập xây dựng mẫu Đề án để giúp các địa phương thuận lợi khi thực hiện và giúp việc thẩm định nhanh chóng. Về tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và nên để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Tổ biên tập phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để xây dựng Tờ trình Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình Chính phủ, tham mưu giúp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phấn đấu hoàn thành trong tháng 3/2019./.

          Thanh Tuấn
Theo http://www.moha.gov.vn