PrintAaa

Hội thảo khoa học, góp ý “Xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”

13:55 05/07/2022
Sáng ngày 05/7, tại trụ sở Bộ, Viện Khoa học tổ chức nhà nước và Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức - Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học, góp ý “Xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP” nhằm nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phục vụ việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

TS. Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước và TS. Lại Đức Vượng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện lãnh đạo: Vụ Tổ chức cán bộ một số Bộ, ngành Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Sở Nội vụ, Trường Chính trị một số tỉnh phía Bắc; đại diện lãnh đạo, chuyên viên và nghiên cứu viên một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
 
TS. Nguyễn Ngọc Vân khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Vân nhấn mạnh, đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là một công việc quan trọng nhằm cung cấp thông tin về mức độ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức sau khi được bồi dưỡng. Kết quả đánh giá cũng đồng thời là một kênh phản hồi chính thức từ người học, người dạy và bên liên quan về quá trình thực hiện hoạt động bồi dưỡng, về hiệu quả, chất lượng bồi dưỡng, để các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ Nhân dân”.

Thời gian qua, việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã được thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện từ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng công chức; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (thay thế Nghị định số 18/2010/NĐ-CP). Bộ công cụ để thực hiện việc này đã được Bộ Nội vụ xây dựng, hướng dẫn thực hiện tại Công văn số 4524/BNV-ĐT ngày 27/10/2014 và hiện nay là tại Thông tư số 10/2017/TT-BNV ban hành ngày 29/12/2017. 

Các bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng đã khẳng định vai trò quan trọng, cung cấp nhiều thông tin khách quan cho các cơ quan quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, giúp đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém về chất lượng chương trình, chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chất lượng khóa đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả học tập của học viên, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, bộ công cụ đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sớm sửa đổi, khắc phục.

TS. Nguyễn Ngọc Vân nhấn mạnh, đo lường, đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là một việc rất khó, bởi chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào, quá trình bồi dưỡng và được thể hiện ở kiến thức, kỹ năng, thái độ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức sau quá trình bồi dưỡng. Từ góc độ tổng thể, chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn là những giá trị thể hiện sự đáp ứng nhu cầu, mục tiêu của các chủ thể liên quan, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan sử dụng cán bộ, công chức, viên chức với tư cách là đối tượng thụ hưởng toàn bộ chu trình bồi dưỡng. 
 
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận, làm rõ các vấn đề lý luận về đánh giá chất lượng bồi dưỡng và công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thực trạng quy định pháp luật về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và sử dụng công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay; đồng thời, từ kinh nghiệm đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nói chung, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp cho việc đánh giá và xây dựng công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
 
Chuyên viên cao cấp Nguyễn Đức Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Nói về thực trạng pháp luật đánh giá chất lượng bồi dưỡng, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chuyên viên cao cấp, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho biết, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không phải là vấn đề mới đối với Việt Nam và thế giới. Hoạt động này luôn được quan tâm nhằm bảo đảm cho việc dạy và học không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng thông qua khắc phục các hạn chế, bất cập của công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Việc đánh giá chất lượng đã cung cấp nhiều thông tin khách quan cho các cơ quan quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, giúp đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém về chất lượng chương trình, chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chất lượng khóa đào tạo, bồi dưỡng…

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, các đối tượng đánh giá (chương trình, học viên, giảng viên, cơ sở vật chất, chất lượng khóa bồi dưỡng và hiệu quả sau bồi dưỡng) có nội dung “na ná” giống nhau, gây tâm lý nặng nề, nhàm chán, miễn cưỡng khi tổ chức đánh giá. Các tiêu chí, chỉ báo khá phức tạp, rườm rà, không thật sự cần thiết hoặc khó đánh giá, khó trả lời, gây rối, nhầm lẫn cho đối tượng trả lời. Trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành, địa phương chưa được thường xuyên; thông tin kết quả đánh giá chưa phản ánh một cách khách quan, đầy đủ, kịp thời về chất lượng, hiệu quả của công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức …

Do đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, cần có sự thay đổi về đối tượng, phạm vi, mục tiêu, công cụ đánh giá, với các giải pháp được đưa ra là: (1) Mở rộng quyền tham gia giảng dạy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu (cả nhà nước và tư nhân) đối với các nội dung về Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm dành cho cán bộ, công chức, viên chức. (2) Trao quyền (kết hợp với quản lý của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức) cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc lựa chọn cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín, chất lượng cung cấp các khóa, các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm của mình. (3) Công tác cán bộ hay công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức cần chuyển dứt khoát từ mô hình chức nghiệp sang mô hình vị trí việc làm. (4) Cải cách chế độ tài chính. 
 
TS. Hà Quang Trường phát biểu tại Hội thảo

Hoàn thiện bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, TS. Hà Quang Trường, Viện Khoa học tổ chức nhà nước đề xuất: (1) Cần sửa đổi hệ thống nội dung, tiêu chí, chỉ báo theo hướng giảm bớt các tiêu chí, chỉ báo không cần thiết phục vụ đánh giá cơ bản cho các khóa bồi dưỡng. (2) Bổ sung hệ thống tiêu chí đánh giá bồi dưỡng trực tuyến (thêm 02 tiêu chí và 09 chỉ báo). (3) Xây dựng 03 mẫu phiếu đánh giá cơ bản, gồm: Phiếu đánh giá chất lượng bồi dưỡng dành cho học viên; Phiếu đánh giá chất lượng bồi dưỡng dành cho giảng viên; Phiếu đánh giá hiệu quả sau bồi dưỡng dành cho cựu học viên, đồng nghiệp của cựu học viên, thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. (4) Thang đo và mức độ đánh giá…
 
TS. Nguyễn Hải Thập phát biểu tại Hội thảo

TS. Nguyễn Hải Thập, nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất quan tâm đến chương trình bồi dưỡng phù hợp với chức danh vị trí việc làm, mỗi chuyên đề sẽ hình thành năng lực nào đó trong chức danh nghề nghiệp, do đó, cần có hướng dẫn chi tiết về đánh giá chương trình bồi dưỡng.

Về đội ngũ giảng viên, TS. Nguyễn Hải Thập cho rằng, nếu chỉ nói về trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thì chưa đủ điều kiện mà còn phải đánh giá tiêu chí về năng lực giảng viên, do đó cần có tiêu chí đánh giá năng lực giảng viên.

Về kết quả bồi dưỡng, “cần tham khảo cách đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần áp dụng công nghệ để con người không thể can thiệp vào việc đánh giá; xây dựng ngân hàng đề thi, chấm thi bằng công nghệ, đây là mới là cái quan trọng nhất để đánh giá kết quả bồi dưỡng”, TS. Nguyễn Hải Thập nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Hải Thập cũng đề xuất, Bộ Nội vụ nên có bộ phận chuyên trách kiểm định chất lượng bồi dưỡng, các Sở Nội vụ cũng có bộ phận chuyên trách; đồng thời, hình thành mạng lưới kiểm định chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng một cách khách quan. Cùng với đó, cần có chế tài cụ thể, nếu kiểm định đạt chất lượng thì để tồn tại cơ sở bồi dưỡng, nếu không đạt thì cần xóa bỏ.
 
TS. Tạ Thị Thu Hiền phát biểu tại Hội thảo

TS. Tạ Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng tình với đề xuất nên thành lập/ giao nhiệm vụ cho một tổ chức chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để kết quả đánh giá đảm bảo độ giá trị, độ tin cậy; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đánh giá để đảm bảo có thông tin thường trực giúp cho việc tư vấn chính sách và phát triển các chương trình bồi dưỡng. 

Nội dung đánh giá nên bao gồm cả đánh giá đầu vào, quá trình và đầu ra để xem xét việc thực hiện và mức độ hoàn thành mục tiêu, nội dung và chuẩn đầu ra của chương trình. 

Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học đo lường và đánh giá và công nghệ thông tin trong hoạt động đánh giá để nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá; có thể sử dụng nhiều phương pháp đánh giá khác nhau như đánh giá định kỳ, khảo sát ý kiến chuyên gia, các bên liên quan, …
 
TS. Lại Đức Vượng kết luận Hội thảo


Kết luận Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng trân trọng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đầy trách nhiệm, tâm huyết và đi sâu vào các vấn đề đặt ra tại Hội thảo; đồng thời, trân trọng tiếp thu các đề xuất để các đơn vị nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Các ý kiến đều thống nhất xây dựng bộ công cụ đảm bảo các tiêu chí đơn giản, linh hoạt, dễ thực hiện; tập trung đánh giá các cấp độ khác nhau, đối tượng đánh giá; xây dựng phần mềm đánh giá…

TS. Lại Đức Vượng mong muốn trong thời gian tới, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo thông tư và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Nguồn: http://www.moha.gov.vn