PrintAaa

Thực hiện chính sách Tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong công tác QLNN về Tôn giáo ở Hà Tĩnh thời gian qua.

17:07 25/08/2015

Là tỉnh có đông đồng bào các tôn giáo, công tác tôn giáo ở tỉnh Hà Tĩnh luôn luôn được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, vì vậy trong nhiều năm qua đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Tỉnh Hà Tĩnh có 2 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo với trên 17 vạn tín đồ, hàng trăm chức sắc, nhà tu hành và hơn 300 cơ sở thờ tự ở 12/12 huyện, thị xã, thành phố.

Sau khi tái lập tỉnh, mặc dù còn bộn bề công việc nhưng trước yêu cầu của công tác tôn giáo trong giai đoạn mới, năm 1993, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định thành lập Ban Tôn giáo - cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước (QLNN) về tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh.

Trải qua hơn 20 năm, mặc dù tổ chức, bộ máy có nhiều thay đổi: Năm 2005, Ban Tôn giáo tỉnh tiếp nhận bộ phận QLNN về dân tộc từ Ban Miền núi và Di dân thành lập Ban Tôn giáo - Dân tộc tỉnh; Năm 2008, bộ phận Dân tộc được chuyển về Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tôn giáo được sáp nhập trực thuộc Sở Nội vụ, cùng với đó là sự thay đổi về công tác QLNN về tôn giáo ở cấp huyện. Vượt qua những khó khăn, bám sát quan điểm, nhiệm vụ, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước và các quy định của pháp luật, Ban Tôn giáo tỉnh và cấp huyện, cấp xã đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đảm bảo cho các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, ổn định vì vậy chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo ở Hà Tĩnh yên tâm hành đạo, gắn bó, đồng hành cùng quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới, góp phần tích cực xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

          Để công tác QLNN về tôn giáo ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, Ban Tôn giáo đã phối hợp các ngành chức năng của tỉnh, cấp uỷ, chính quyền cơ sở tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ công tác QLNN về tôn giáo cho cán bộ, công chức các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn, bao gồm Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về công tác tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Chỉ thị số 1940/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhà và đất có liên quan tôn giáo, Thông tư số 01/2013/TT-BNV ngày 25/3/2013 của Bộ Nội vụ. Đồng thời liên hệ, phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức cho cán bộ làm công tác tôn giáo ở tỉnh, các bộ chủ chốt cấp huyện tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức tôn giáo và cập nhật thông tin tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức.

          Ban Tôn giáo đã thường xuyên quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho các tổ chức, cơ sở tôn giáo từ đó đã làm cho tín đồ, chức sắc, nhà tu hành hiểu và tin tưởng vào chế độ, thực hiện đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm đối với đất nước, hoạt động tôn giáo vì lợi ích dân tộc, hài hoà đạo, đời.

          Kết quả trong những năm vừa qua đã có 6.844 lượt cán bộ các cấp, chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo tham dự các lớp do Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo tỉnh và huyện, thành phố, thị xã tổ chức và phối hợp tổ chức.   

          Công tác QLNN về tôn giáo đã tập trung tham mưu giải quyết kịp thời đúng chính sách, pháp luật, phù hợp tình hình thực tế các nhu cầu tôn giáo. Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, đối với đạo Công giáo đã có 9 xứ đạo, 25 họ đạo được thành lập, 1 cơ sở dòng nữ tu Mến Thánh giá được cấp đăng ký hoạt động, 6 cơ sở dòng nữ tu Bác ái đang làm thủ tục xác nhận để Ban Tôn giáo Chính phủ xem xét cấp đăng ký hoạt động; việc phong chức, thuyên chuyển, bổ nhiệm và đào tạo linh mục được thực hiện thuận lợi. Đối với Phật giáo đã hoàn thiện tổ chức Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và cấp huyện. Hiện nay đã có 25 tăng, ni trụ trì các chùa trong tỉnh. Nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo được quy hoạch cấp đất mới, mở rộng khuôn viên, trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng mới khang trang, thuận lợi cho tín đồ thực hành đức tin và sống đạo.  

          Thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo khác đã có nhiều nội dung rút ngắn 1/3 thời gian giải quyết, đơn giản về thành phần và số lượng bộ hồ sơ. Năm 2013, Ban Tôn giáo đã phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn Hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng công trình tôn giáo. Trên cơ sở đó Sở Xây dựng là cơ quan tiếp nhận Hồ sơ thay Ban Tôn giáo như trước đây để tổ chức tôn giáo thuận tiện, dễ thực hiện.

Cùng với thực hiện chức năng QLNN về tôn giáo, Ban Tôn giáo đã tham gia vận động chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực, có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" và thực hiện việc di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng ở các địa bàn vùng giáo phục vụ các dự án, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà.

          Ban Tôn giáo đã động viên, làm cầu nối và tạo điều kiện thuận lợi khi các tổ chức, chức sắc tôn giáo tham gia các hoạt động từ thiện, bác ái, trong đó vào những năm các địa phương trong tỉnh bị thiệt hại bởi bão lũ, đã có hàng trăm tổ chức và hàng chục chức sắc tôn giáo cứu trợ tiền, hàng trị giá hàng chục tỉ đồng góp phần ổn định cuộc sống cho những gia đình bị tổn thất. Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Toà Giám mục Giáo phận Vinh lựa chọn địa điểm xây dựng một số nhà tránh lũ cộng đồng ở huyện Hương Khê.

          Nhìn chung hoạt động của các tôn giáo ở địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo hướng tuân thủ pháp luật, tuy nhiên cũng có một số hoạt động chưa chấp hành tốt quy định về sử dụng đất đai, xây dựng công trình tôn giáo, chia tách tổ chức tôn giáo cơ sở… đều được nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật; trong đó có những trường hợp vi phạm đã được xử lý đúng quy định.         

          Công tác QLNN đối với các hoạt động tôn giáo thực chất là nhằm đảm bảo một cách đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào song song với việc chăm lo nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho bộ phận đồng bào có đạo để "phần hồn được thong dong, phần xác được no ấm". Vì vậy QLNN về tôn giáo là hướng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, “đồng hành cùng dân tộc và vì lợi ích của dân tộc”. Đồng thời phải thường xuyên tuyên truyền cho đồng bào có đạo nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các thế lực lợi dụng tôn giáo, sử dụng vấn đề tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, gây mất ổn định tình hình./.

 

                                                                                                                                                                                          Bài, ảnh: Đào Văn Hải

                                                                                                                                                                                       Phó Trưởng ban Tôn giáo