Baohatinh.vn) - Lãnh đạo Hà Tĩnh đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tiếp tục rà soát 14 nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm 6 tháng đầu năm, thúc đẩy những nội dung đang thực hiện dở dang và triển khai 4 nội dung chưa thực hiện.
Chiều nay (7/7), Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng chính quyền điện tử tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và đánh giá hoạt động đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI).
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự tại điểm cầu cấp tỉnh.
Theo đánh giá, hiện nay hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương được duy trì, bảo đảm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. 100% cơ quan, địa phương ứng dụng tốt chữ ký số và gửi nhận văn bản điện tử.
Đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) đã có 63 cán bộ cấp sở và cấp huyện; 216 cán bộ cấp xã. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm CNTT-TT tổ chức 21 lớp tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ cấp xã với tổng số học viên là 1.260 người.
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Công Thành báo cáo kết quả xây dựng chính quyền điện tử.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.579 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3 và 711 DVC trực tuyến mức độ 4 được cung cấp. Trong 6 tháng đầu năm, trên Cổng DVC của tỉnh phát sinh 25.392 hồ sơ DVC mức 3, mức 4 trên tổng số 220.782 hồ sơ, đạt tỉ lệ 11,5%.
Kết quả đánh giá tiêu chí hiện đại hoá năm 2020, Hà Tĩnh đạt 12,66/15 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số ICT index (chỉ số về ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử) năm 2020 đứng thứ 19/63 tỉnh, thành.
Trong 6 tháng đầu năm, đã có 12 dự án, hạng mục về CNTT được phê duyệt chủ trương, đang trong giai đoạn thẩm định, phê duyệt và thực hiện, với tổng kinh phí dự kiến bố trí hơn 85 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh
Về đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công thực hiện qua dịch vụ BCCI, từ ngày 5/3/2021, công chức tiếp nhận và trả kết quả của các đơn vị tham gia thí điểm giai đoạn II (các sở: Công thương, Tài chính, LĐ-TB&XH) đã trực tiếp hướng dẫn cho nhân viên bưu điện và thực hiện nhiệm vụ.
Tổng số thủ tục hành chính (TTHC) chuyển giao cho nhân viên bưu điện là 154 thủ tục, bước đầu đã tiếp nhận được 863 hồ sơ của Sở Công thương và Sở LĐ-TB&XH.
Hội nghị kết nối với điểm cầu 13 huyện, thị, thành phố và bưu điện tỉnh.
Ở cấp huyện, các địa phương thí điểm gồm: thị xã Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ, nhân viên bưu điện đã phối hợp với công chức hướng dẫn tiếp nhận tại trung tâm hành chính công 1.112 hồ sơ trực tiếp, 1.378 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. UBND các địa phương đã giải quyết 2.030 hồ sơ, trong đó có 329 hồ sơ trả kết quả qua dịch vụ BCCI (đạt tỷ lệ 16%).
Hiệu quả của đề án là giải quyết được vấn đề lãng phí thời gian của công chức trực tại trung tâm hành chính công của các đơn vị có số hồ sơ phát sinh ít; tiết kiệm được nguồn ngân sách nhà nước; tạo thêm kênh thông tin cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, sở, ngành đã trao đổi, làm rõ những nội dung liên quan đến nguyên nhân đạt tỷ lệ thấp về thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3, 4; tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp cận và kết quả trả trực tuyến đạt thấp; kiến nghị giải pháp xây dựng chính quyền điện tử.
Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn: Tiến độ thực hiện DVC mức độ 4 của ngành gặp khó khăn do liên quan đến chữ kí số của các cá nhân.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Cần tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các cơ quan, đơn vị phải có đội ngũ chuyên trách về CNTT để trực tiếp xử lý các vấn đề liên quan.
Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa: Đề nghị BCĐ tỉnh và cấp huyện tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai đồng bộ các phần mềm
trong chỉ đạo điều hành; tăng ứng dụng phần mềm ở cấp xã.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị cơ quan thường trực BCĐ tiếp tục rà soát 14 nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm 6 tháng đầu năm về xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy những nội dung đang thực hiện dở dang và triển khai 4 nội dung chưa thực hiện. Cần sớm hoàn thiện các thủ tục để trình Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sớm ban hành nghị quyết về chuyển đổi số.
Sở TT&TT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị thực hiện việc tích hợp dữ liệu cấp tỉnh, đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công, ứng dụng CNTT trong xử lý công việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu kết luận hội nghị
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương phối hợp tích hợp dữ liệu, thúc đẩy dữ liệu số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước để phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, cung cấp DVC trực tuyến tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Sở Nội vụ, Sở TT&TT, Văn phòng UBND tỉnh bổ sung vào chương trình hành động từ nay tới cuối năm về thực hiện Quyết định 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Phó Chủ tịch UBND Tỉnh lưu ý, phải sớm kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, phân công phân nhiệm rõ ràng gắn với đánh giá thực hiện nhiệm vụ. Các sở, ngành, địa phương rà soát lại các nhiệm vụ đề ra từ đầu năm để thực hiện, hoàn thiện, nâng cao xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.
Về Trung tâm IOC - trung tâm quản lý giám sát điều hành thông minh của tỉnh, cố gắng thực hiện để đưa vào vận hành thử trong tháng 7 và tiếp tục bổ sung dữ liệu để hoàn thiện.
Nguồn: http://baohatinh.vn