(Baohatinh.vn) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng vừa ký ban hành kết luận số 29-KL/TU ngày 22/7/2021 về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo đó, để siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
Cụ thể hóa các quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh trao tặng bằng khen cho các tập thể điển hình trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị giai đoạn 2016 - 2021.
Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định, quy chế của Trung ương và của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trên cơ sở các chủ trương, các quy định, quy chế của Trung ương và của tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa các quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức để quản lý, nhận xét, đánh giá ý thức chấp hành, kết quả thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò, trách nhiệm và đề cao sự gương mẫu của người đứng đầu.
Năm 2018, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh (nay là CCQ&DN tỉnh) tổ chức tọa đàm “Vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Những điều được làm và không được làm
Cán bộ, công chức, viên chức luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng các quy định về đạo đức công vụ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và những việc cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên không được làm theo quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định liên quan.
Cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công. Ảnh tư liệu
Những việc phải thực hiện thường xuyên
Những việc không được làm
|
Nêu cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành
Ngoài việc thực hiện tốt các nội dung đối với cán bộ, công chức, viên chức nêu trên, người đứng đầu cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:
Gương mẫu đi đầu trong thực thi nhiệm vụ công tác, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giao tiếp, ứng xử hài hòa, mẫu mực trong cơ quan, đơn vị, nơi cư trú; luôn biết tự trọng và quý trọng danh dự. Khi có khuyết điểm phải thẳng thắn nhận và tập trung khắc phục; luôn yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và cấp dưới.
Bí thư Đảng ủy xã Thạch Thắng Nguyễn Tất Cường (áo trắng đứng giữa) luôn sâu sát cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và động viên bà con xây dựng nông thôn mới. Ảnh tư liệu.
Chỉ đạo, điều hành công việc theo quy chế, quy định; thực hành phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, sâu sát thực tiễn; thực sự là hạt nhân xây dựng, giữ gìn mối đoàn kết, quy tụ, phát huy trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe ý kiến, nhất là các ý kiến góp ý phản biện, dư luận xã hội.
Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Dân chủ, bình đẳng, bao dung, độ lượng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để khích lệ cán bộ cấp dưới đổi mới, sáng tạo, chủ động tham mưu, cống hiến và sửa chữa những khuyết điểm; không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ.
Phân công nhiệm vụ rõ ràng và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức. Bảo vệ danh dự, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
Luôn tạo niềm tin, cảm hứng cho cán bộ cấp dưới nỗ lực trong công tác, rèn luyện. Công tâm, khách quan, không dọa dẫm, trù dập cấp dưới; không áp đặt định kiến cá nhân khi nhận xét, đánh giá cán bộ; bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp để phát huy năng lực, sở trường công tác; thực hiện tốt trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ kế cận.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn đọng ở cơ sở; giữ mối quan hệ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cấp trên.
Chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị, kể cả công việc đã phân cấp, ủy quyền cho cấp phó hoặc cấp dưới. Chịu trách nhiệm liên đới nếu để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm kỷ luật, kỷ cương và các quy định pháp luật.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hội họp
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc: Tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không bao biện làm thay, tạo điều kiện cho chính quyền chủ động, linh hoạt thực hiện chức năng, quyền hạn theo quy định, đồng thời tránh buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy hiệu quả vai trò giám sát của cơ quan dân cử, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của Nhân dân.
Đại biểu dự họp phải chấp hành nghiêm quy định về hội họp. Ảnh tư liệu.
Rà soát sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định, phù hợp với thực tiễn. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc. Nâng cao vai trò, trách nhiệm tập thể, thành viên các ban chỉ đạo, hội đồng, đoàn công tác của cấp ủy các cấp.
Định kỳ thăm dò tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp theo quy định để nắm thông tin về cán bộ, làm cơ sở cho đánh giá cán bộ thực chất, khách quan; qua đó biết rõ ưu điểm để phát huy và khắc phục, sửa chữa các hạn chế, khuyết điểm.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với kiểm tra, giám sát; xử lý công việc đúng thẩm quyền, không bao biện, làm thay nhưng không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong quản lý văn bản, hồ sơ công việc.
Thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính phù hợp với các quy định mới, giải quyết các thủ tục hành chính minh bạch, đúng hẹn.
Các cuộc họp cơ bản phải được bố trí trong chương trình công tác; xây dựng, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để tăng họp trực tuyến, điều hành qua mạng điện tử; thành phần hội họp phù hợp với nội dung, sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng nội dung, gửi tài liệu cho đại biểu đảm bảo thời gian nghiên cứu; đại biểu dự họp phải chấp hành nghiêm quy định về hội họp, tuyệt đối không sử dụng điện thoại, máy tính cá nhân để làm việc riêng; không xử lý các công việc khác ngoài nội dung, tính chất của cuộc họp.
Ý kiến thảo luận ngắn gọn, trọng tâm, rõ quan điểm; khuyến khích phản biện, đối thoại, tranh luận trực tiếp tại cuộc họp; không lấy diễn đàn hội nghị để báo cáo thành tích tập thể, cá nhân hoặc bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín người khác.
Chủ trì điều hành và kết luận cuộc họp, hội nghị ngắn gọn, trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể, có thời hạn thực hiện và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.
Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phải kịp thời triển khai kết luận sau cuộc họp, hội nghị; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; định kỳ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời những gương điển hình, tiêu biểu.
Phát huy vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tổ chức thực hiện
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, người đứng đầu các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc Kết luận này và các quy định, nội quy, quy chế của Trung ương, của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định pháp luật và phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Định kỳ hằng tháng gắn với lễ chào cờ, sinh hoạt chi bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đánh giá việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, biểu dương, phê bình nghiêm túc. Gắn đánh giá việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ với đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên, tập thể cơ quan, đơn vị, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chế của Trung ương, của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính và nội dung của kết luận 29-KL/TU. Khuyến khích, động viên Nhân dân phát hiện những vi phạm về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức.
Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ tại các địa phương, đơn vị; kịp thời phản ánh, biểu dương các mô hình, điển hình, hiệu quả; đồng thời phản ánh, phê phán các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận 29-KL/TU, định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh ủy).
Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi, tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Nguồn: baohatinh.vn