PrintAaa

PAR INDEX 2023: Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

14:24 19/04/2024

Ngày 17/4/2024, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Báo cáo tại Quyết định số 273/QĐ- BNV ngày 10/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ghi nhận, năm 2023, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội cựu Chiến binh Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đồng Chủ trì Hội nghị

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và quyết liệt, năm qua, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã tích cực chủ trì nhiều hội nghị, diễn đàn, đối thoại, tháo gỡ nhiều khó khăn, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả cải cách trên từng lĩnh vực, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số, sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân. Nhờ đó, những kết quả cải cách đã đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và thách thức đan xen nhưng thách thức cả trong và ngoài nước ngày càng tăng và diễn biến phức tạp hơn.

Những kết quả CCHC trong năm 2023 mà các địa phương đạt được là khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Theo đánh giá, Chỉ số CCHC năm 2023 của các tỉnh, thành phố đã có sự tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình đạt 86.98%, cao hơn 2.19% với năm 2022; đây là lần thứ 5 liên tiếp có Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.

Theo thống kê, trong lịch sử đánh giá từ năm 2012 đến nay, năm 2023 là năm đầu tiên tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đều có kết quả Chỉ số CCHC đạt trên 80%. Cùng với đó, 32/63 địa phương đạt kết quả chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình của cả nước; 57/63 tỉnh, thành phố có Chỉ số CCHC tăng trưởng cao hơn so với năm 2022 (năm 2022 chỉ 09 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC tăng trưởng), tăng cao nhất là Phú Yên (+9.39%.

Về kết quả Chỉ số CCHC tổng hợp

Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 các tỉnh, thành phố được phân theo 02 nhóm:  Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, có 07 tỉnh, thành phố và Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, có 56 tỉnh, thành phố.

Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC với kết quả đạt 92.18%; từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cả nước.

Xếp vị trí thứ 2/63 là thành phố Hải Phòng, đạt 91.87% và là năm thứ 4 liên tiếp, Hải Phòng đạt kết quả Chỉ số trên90%. Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác CCHC, như: Hà Nội, đạt 91.43%, xếp thứ 3/63; Bắc Giang đạt 91.16%, xếp thứ 4/63 và Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt 91.03%, xếp thứ 5/63.

Về kết quả đánh giá 08 Chỉ số thành phần:
Năm 2023, có 07/8 chỉ số thành phần tăng điểm và 01/8 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2022. Trong đó, tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số”, với mức tăng 6.60%.

Chỉ số thành phần “Chỉ đạo điều hành CCHC” đạt giá trị trung bình cao nhất, với kết quả là 95.25%, cao hơn 3.60% so với năm 2022; đây là lần thứ 3 liên tiếp Chỉ số thành phần này có giá trị trung bình trên 90%.

05 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số thành phần này đều đạt tỷ lệ điểm tối đa (100%), đó là Hòa Bình, Hậu Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa. 

Chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” tiếp tục duy trì vị thế cao trong nhiều năm gần đây, năm 2023, giá trị trung bình xếp vị trí thứ 2/8 chỉ số thành phần, đạt 94.32%, cao hơn 0.59% so với năm 2022; có 52/63 địa phương đạt kết quả điểm trên 90%. Địa phương đứng đầu bảng xếp hạng là tỉnh Hòa Bình (99.93%.

Chỉ số thành “Cải cách thể chế” xếp vị trí thứ 3/8 , đạt 93.21%, cao hơn 2.45% so với năm 2022 và là năm thứ 2 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 90%.

Theo kết quả, có có 59/63 địa phương đạt tỷ lệ điểm đánh giá trên 90% (trong khi đó, năm 2022 chỉ có 46 địa phương đạt mức trên). Giữ vị trí quán quân về Chỉ số thành phần “Cải cách thể chế” là tỉnh Sơn La, đạt 97.37%.

Chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy” xếp vị trí thứ 4/8 chỉ số thành phần, đạt giá trị trung bình là 91.28%, cao hơn 2.70% so với năm 2022; có 49/63 địa phương đạt tỷ lệ điểm trên 90%, không có địa phương nào cho kết quả dưới 80%. Đứng đầu bảng xếp hạng là Sơn La, đạt 96.93%, cao hơn 10.06% so với năm 2022.

Chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” xếp vị trí thứ 5/8 chỉ số thành phần, đạt 84.80%, cao hơn 2.60% so với 2022. Dẫn đầu cả nước ở Chỉ số thành phần này là thành phố Hải Phòng, đạt 96.21.

Chỉ số thành phần “Cải cách chế độ công vụ” xếp vị trí thứ 6/8 chỉ số thành phần, đạt 83.47%, cao hơn 1.69% so với năm 2022 (81.78%);  Long An là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng cả nước, đạt 90.65%.

Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số” xếp vị trí thứ 7/8 Chỉ số thành phần nhưng lại có giá trị trung bình tăng trưởng cao nhất so với các Chỉ số thành phần còn lại. Năm 2023, Chỉ số thành phần này đạt 83.25%, cao hơn 6.6% so với năm 2022. Có 06/63 địa phương đạt kết quả trên 90%, dẫn đầu bảng xếp hạng là Bắc Giang, đạt 91.99%. Ở nhóm cuối bảng xếp hạng, có 13 địa phương cho kết quả đánh giá dưới 70%, trong đó, xếp vị trí thứ 63/63 là tỉnh Bạc Liêu, chỉ đạt 66.15%.

Chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH tại địa phương” đạt giá trị trung bình 77.73%, thấp hơn 1.29% so với năm 2022, xếp vị trí thứ 8/8 chỉ số thành phần. Năm 2023 có 03 địa phương đạt kết quả trên 90% là Hải Dương, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong số đó, dẫn đầu cả nước là tỉnh Quảng Ninh, đạt 94.42%. 

Về kết quả Chỉ số CCHC giữa 06 vùng kinh tế - xã hội:

Trong năm 2023, 6/6 vùng kinh tế - xã hội đều có giá trị trung bình Chỉ số CCHC đạt trên 80% và đều tăng trưởng cao hơn so với năm 2022. Giá trị trung bình cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng với kết quả đạt 88.33%, cao hơn 1.71% so với năm 2022 (86.62%); xếp vị trí thứ 2 là vùng Đông Nam Bộ, đạt 87.79%, cao hơn 3.05% so với năm 2022 (84.74%), đây cũng là vùng có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng trưởng cao nhất. Tiếp theo là vùng trung du miền núi phía Bắc, đạt 87.72%, cao hơn 2.72% so với năm 2022 (85.00%). Xếp vị trí thứ 4 là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đạt 86.82%, cao hơn 2.57% so với năm 2022 (84.25%). 02 vùng còn lại có cùng giá trị trung bình đạt 85.42% là vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra vào ngày 17/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, năm 2023 là năm thứ 12 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh. Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính hàng năm đã thông tin kịp thời kết quả các chỉ số tới bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, người dân, tổ chức, doanh nghiệp và xã hội; qua đó, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương.

Nguồn: https:/./www.moha.gov.vn