PrintAaa

Bộ Nội vụ công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

09:48 05/09/2015

Sáng ngày 04/9/2015, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hội nghị).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 2 năm 2012 và 2013 công bố PAR INDEX, bước đầu đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, chỉ đạo điều hành cải cách hành chính của các bộ, ngành và địa phương. Trên cơ sở đó, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-BNV ngày 14/01/2015 phê duyệt Kế hoạch triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua quá trình triển khai nghiêm túc, dân chủ, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Nội vụ đã hoàn thành Kế hoạch và đã có báo cáo tổng hợp kết quả PAR INDEX năm 2014. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, trong những năm vừa qua, Chỉ số cải cách hành chính đã phát huy được vai trò quan trọng, đem lại những tín hiệu tích cực trong việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chỉ số cải cách hành chính thực sự là một công cụ hữu ích trong quản lý Chương trình tổng thể cải cách hành chính, giúp đánh giá một cách chính xác, khách quan công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện cải cách hành chính cũng như phản ánh những kết quả đạt được trong cải cách hành chính hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Việc xác định Chỉ số cải cách hành chính từng bước tạo ra sự công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công cuộc cải cách hành chính; đồng thời, huy động được sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức đối với công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo tóm tắt về công tác triển khai xác định PAR INDEX năm 2014  của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, ở cấp Trung ương (các Bộ, cơ quan ngang Bộ) kết quả xác định chỉ số của 19 bộ, cơ quan ngang bộ. Ở địa phương, kết quả xác định chỉ số của 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần để xác định PAR INDEX được thực hiện theo phương pháp: Các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố tự đánh giá, chấm điểm theo thang điểm đã quy định sau đó Bộ Nội vụ thẩm định điểm của các bộ, các tỉnh tự đánh giá, chấm điểm với sự tư vấn của Hội đồng thẩm định kết hợp với điểm đánh giá qua điều tra xã hội học.

Việc tổ chức công tác tự đánh giá, chấm điểm được các bộ, các tỉnh tiến hành nghiêm túc, khách quan, tương đối chính xác, việc chấm điểm các tiêu chí dựa trên các căn cứ, tài liệu kiểm chứng bảo đảm độ tin cậy cao. Công tác thẩm định được tổ chức khẩn trương, nghiêm túc, phát huy được sự tham gia của các bộ, ngành trong việc đề xuất ý kiến, tham mưu để Bộ trưởng Bộ Nội vụ có cơ sở quyết định điểm đánh giá đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC các bộ, các tỉnh một cách khách quan, công bằng. Công tác điều tra xã hội học để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau về kết quả cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh phục vụ cho việc tính toán chỉ số CCHC được tổ chức chặt chẽ, hệ thống và trong thời gian ngắn đã thu được số lượng phiếu cao so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch.

Báo cáo nêu một số tồn tại, hạn chế mà các bộ, các tỉnh còn gặp phải trong quá trình triển khai xác định chỉ số CCHC đồng thời nêu những đề xuất, kiến nghị  để việc xác định PAR INDEX các năm tiếp theo được tốt hơn, phát huy vai trò tích cực của chỉ số CCHC trong quản lý, triển khai CCHC, cụ thể như sau: Đề nghị các bộ, các tỉnh căn cứ vào chỉ số CCHC năm 2014 để tổ chức triển khai phổ biến, tuyên truyền về kết quả Chỉ số CCHC trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cải cách hành chính và việc xác định chỉ số CCHC hàng năm. Tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình triển khai và kết quả chỉ số CCHC năm 2014 đạt được để tìm ra nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng CCHC. Đề nghị các bộ, các tỉnh quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Nội vụ trong triển khai xác định chỉ số CCHC hàng năm để kết quả Chỉ số CCHC được xác định chính xác, khách quan và được công bố đúng thời gian quy định. Tổ chức tự đánh giá, chấm điểm nghiêm túc, thực chất hơn, tránh nặng về thành tích, để kết quả điểm được khách quan, chính xác, sát với tình hình triển khai và kết quả đạt được trong CCHC. Kịp thời rà soát, phản ánh, kiến nghị với Bộ Nội vụ những vấn đề chưa hợp lý về nội dung, phương pháp xác định chỉ số CCHC đề nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Công bố 
Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Các đại biểu dự Hội nghị đã được nghe Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đọc Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 (PAR INDEX 2014) của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, PAR INDEX 2014  của các bộ, cơ quan ngang bộ như sau: Giá trị trung bình PAR INDEX đạt được là 76,99%, cao hơn so với năm 2012  nhưng lại thấp hơn so với năm  2013 (giảm 0,26%). Kết quả xác định tập trung vào 2 nhóm điểm, bao gồm:

Nhóm thứ nhất, đạt kết quả chỉ số trên 80%, gồm 5 bộ, cơ quan ngang Bộ: Bộ Giao thông Vận tải xếp vị trí thứ nhất với kết quả 81,83 %, tiếp theo là Bộ Tài chính với kết quả 81,54%, Ngân hàng nhà nước Việt Nam với kết quả 80,48%, Bộ Ngoại giao với kết quả 80,07 %; Bộ Nội vụ với kết quả 80,06%.

Nhóm thứ hai, đạt kết quả PAR INDEX từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 14 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Xếp vị trí cuối cùng là Bộ Khoa học và Công nghệ, có kết quả là 71%, giảm 6,27% so với kết quả của năm 2013.
 

Xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 các bộ, cơ quan ngang bộ

 

PAR INDEX 2014 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Kết quả PAR INDEX của các tỉnh, thành phố Trung ương có sự tăng đều về điểm số, giá trị trung bình  cao hơn so với giá trị trung bình Chỉ số CCHC của các bộ.

Giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2014 của các tỉnh, thành phố là 81,21%, cao hơn so với năm 2013 là 3,65% và cao hơn so với năm 2012 là 5,13% (Giá trị trung bình năm 2013 là 77,56% và năm 2012 là 76,08%). Kết quả Chỉ số CCHC của năm 2014 cũng cho thấy lần đầu tiên có tỉnh đạt Chỉ số CCHC trên 90% và có đến 44 tỉnh, thành phố đạt kết quả từ 80% trở  lên, gấp đôi số lượng so với năm 2013 (Chỉ số CCHC năm 2013 có 22 tỉnh có kết quả trên 80% và Chỉ số CCHC năm 2012 có 19 tỉnh có kết quả trên 80%). Thành phố Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu với Chỉ số CCHC năm 2014 đạt  92,54%, cao hơn so với mức trung bình của cả nước 11,33%, đồng thời cao gấp 1,44 lần so với Chỉ số CCHC năm 2014 của tỉnh Bắc Kạn, tỉnh có vị trí cuối cùng trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2014 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chia thành 4 nhóm điểm

Nhóm thứ nhất, đạt Chỉ số CCHC trên 90% bao gồm 3 thành phố trực thuộc Trung ương là: Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội
Nhóm thứ hai, đạt Chỉ số CCHCH từ 80% đến dưới 90%, ba gồm 41 tỉnh, thành phố; xếp hạng từ vị trí số 3 đến số 44
Nhóm thứ ba, đạt Chỉ số CCHC từ 70% đến dưới 80%, bao gồm 15 tỉnh; xếp hạng từ vị trí 45 đến 59.
Nhóm thứ tư, đạt Chỉ số CCHC dưới 70%, bao gồm 4 tỉnh xếp hạng từ vị trí 60 đến 63.
Không có tỉnh nào có kết quả dưới 60%. Tỉnh Bắc Kạn có kết quả Chỉ số CCHC năm 2014 thấp nhất trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với kết quả là 64,21%, đồng thời cũng là tỉnh có kết quả điều tra xã hội học thấp nhất với 26,01 điểm.
 

Xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận góp ý cho báo cáo PAR INDEX 2014, phương pháp xác định chỉ số cải cách hành chính đối với các bộ, ngành, địa phương. Đa số ý kiến các đại biểu đều nhất trí với Báo cáo chỉ số cải cách hành chính 2014. 

 
Các đại biểu dự Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành và địa phương đã đạt được trong công tác triển khai cải cách hành chính năm 2014 vừa qua. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu đồng thời khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để thực sự trở thành công cụ đánh giá cải cách hành chính tại các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một cách khách quan, thực chất và hiệu quả hơn. Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần có những giải pháp mãnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Những người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp cần quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo chất lượng kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, xác định rõ kết quả cụ thể phải đạt, những nhiệm vụ phải thực hiện gắn với trách nhiệm các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện và bố trí nguồn lực thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra triển khai cải cách hành chính. Kết quả cải cách hành chính hàng năm của bộ, tỉnh là một cơ sở để đánh giá năng lực và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.
 

Toàn cảnh Hội nghị
 

                                                                                                                                                                           Tin: Hà Nguyên, Trần Hải, Ảnh: Trần Hải

                                                                                                                                                                                                  Theo moha.gov.vn