Sáng ngày 24/3, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai công tác hợp tác quốc tế năm 2022.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và công chức, viên chức làm công tác hợp tác quốc tế của các đơn vị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm thống nhất các nội dung, giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác hợp tác quốc tế của Bộ Nội vụ năm 2022.
Thứ trưởng cũng cho biết, các năm 2020 và 2021 do tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới nên công tác hợp tác với các đối tác nước ngoài bị hạn chế, đình trệ; các đoàn ra, đoàn vào gần như không thực hiện được; các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… chủ yếu được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì các hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường, trong đó có công tác hợp tác quốc tế.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế sẽ báo cáo tổng quan kết quả hợp tác quốc tế năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Nội vụ; một số vấn đề về cơ chế phối hợp quản lý, cập nhật những quy định mới đối với công tác đối ngoại cũng như nội dung nhiệm vụ trọng tâm nổi bật thời gian tới.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu nghiêm túc theo dõi, thẳng thắn trao đổi, góp ý kiến, đề xuất để có sự thống nhất trong triển khai các hoạt động, đảm bảo công tác hợp tác quốc tế là một bộ phận không thể tách rời, ngày càng có sự đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị mà Bộ Nội vụ được giao.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Chu Tuấn Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, năm 2021, Bộ Nội vụ đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo trực tuyến trao đổi với các cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm triển khai kế hoạch hợp tác năm 2021 và thảo luận kế hoạch hợp tác năm 2022; đồng thời, triển khai nhiều hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực văn thư, lưu trữ; tôn giáo; thi đua, khen thưởng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và nghiên cứu khoa học… Thực hiện nghiêm túc các nội dung trong các Bản ghi nhớ, Thoả thuận hợp tác, Kế hoạch hợp tác đã ký với các nước và các cơ quan, tổ chức quốc tế.
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Bộ Nội vụ đã chủ trì tổ chức một số hoạt động như: Hội nghị trù bị và Cuộc họp quan chức cấp cao Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ (ACCSM) lần thứ 21 vào ngày 08/4/2021; Cuộc họp đầu mối phụ trách ACCSM vào ngày 22/11/2021; Hội thảo ASEAN về ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa nền công vụ ngày 25/11/2021. Tham dự các hội nghị, hội thảo do các nước ASEAN tổ chức…
Về phương hướng chung năm 2022, ông Chu Tuấn Tú cho biết, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như: cải cách hành chính; cải cách chế độ công vụ, công chức; tổ chức bộ máy nhà nước; chính quyền địa phương; tôn giáo; hội, tổ chức phi chính phủ; đào tạo, bồi dưỡng công chức; công tác thanh niên,… Triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.
Tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng, phát triển quan hệ với các đối tác mới thông qua việc đón tiếp các đoàn vào, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm.
Triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, các hoạt động thể hiện vai trò của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ trong thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Thực hiện tốt các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Bộ Nội vụ Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên của Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM 21), góp phần đẩy mạnh hợp tác công vụ với các nước trong khu vực ASEAN…
Về một số nội dung trong cơ chế phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế của Bộ Nội vụ, bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế lưu ý, đối với đoàn ra do Thứ trưởng làm trưởng đoàn nhưng không nằm trong Kế hoạch cấp Bộ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, trình Bộ trưởng báo cáo, xin phép Thủ tướng Chính phủ trước khi ra quyết định. Về nguyên tắc “hạn chế phát sinh các hoạt động hợp tác quốc tế nằm ngoài Kế hoạch đã được phê duyệt”. Do vậy, không nên đặt vấn đề về “đoàn ra có thành viên là Thứ trưởng do các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ mời nhưng không có trong Kế hoạch đoàn ra của Bộ Nội vụ”…
Việc ra quyết định đoàn đi thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ Tổ chức cán bộ, do đó, các đơn vị cần có đề xuất sớm, tránh gửi công văn đề nghị có quyết định đoàn ra quá gần với thời gian đi dự kiến.
Ngoài ra, việc tổ chức hội nghị, hội thảo; ký kết thỏa thuận quốc tế; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án do nước ngoài tài trợ … cần tuân thủ đúng quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ.
Báo cáo kết quả hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ (ACCSM) và sự tham gia của Bộ Nội vụ Việt Nam, bà Trần Thị Liên Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1439/QĐ-BNV ngày 29/10/2018 phê duyệt Đề án triển khai "Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025"; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 2258/QĐ-BNV ngày 17/7/2017 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Nội vụ thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025.
Với tư cách là Chủ tịch ACCSM, Bộ Nội vụ đã tham gia Hội nghị điều phối cộng đồng Văn hóa - Xã hội (SOC-COM) và Hội nghị đối tác Cộng đồng - Văn hóa Xã hội lần thứ nhất 15/3/2021 và lần thứ 2 trong tháng 2/2022; tham gia cuộc họp lần thứ 4 Nhóm công tác về Tuyên bố ASEAN về Văn hoá phòng ngừa ngày 29/3/2021; và lần thứ 5 ngày 28/3/2022. Tham gia Hội thảo tham vấn lần thứ 2 về chiến lược hợp nhất cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với khu vực ASEAN được tổ chức ngày 27/4/2021; tham vấn lần thứ 4 ngày 26/2/2022.
Tham gia Diễn đàn Văn hóa cấp cao về Thúc đẩy một Cộng đồng ASEAN thích ứng, hiểu biết hơn và ý thức về truyền thống khu vực đối với người dân ASEAN (HLCF) được tổ chức ngày 27/5/2021; tham gia Hội thảo xây dựng kế hoạch thúc đẩy sự hiệp lực với các cơ quan chuyên ngành và các chủ thể có liên quan về quản lý thảm họa lần đầu ngày 2/6/2021 và các chuỗi hội thảo thường xuyên, định kỳ; chuỗi hội thảo về hiện đại hóa nền công vụ…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã báo cáo những nhiệm vụ nổi bật trong công tác hợp tác quốc tế thời gian qua của đơn vị; đồng thời, đề xuất một số nội dung và giải pháp nhằm hoàn thiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế chung của Bộ Nội vụ năm 2022.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh, hoạt động hợp tác quốc tế đã mang lại lợi ích thiết thực cho các cơ quan, đơn vị của hai bên. Thông qua hoạt động hợp tác song phương với các cơ quan lưu trữ như Pháp, Mỹ, Nga… Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã đưa về Việt Nam nhiều tài liệu lưu trữ rất có giá trị lịch sử; đồng thời, phía Việt Nam cũng bàn giao nhiều tài liệu cho phía bạn. Đặc biệt, những tài liệu lưu trữ trong quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp, đây là nguồn sử liệu rất quan trọng để Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện những điểm khuyết thiếu trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Cũng thông qua hợp tác quốc tế, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tiếp cận, tham khảo được những tiến bộ khoa học, kỹ thuật để lưu trữ, bảo quản, khai thác tài liệu, những mô hình lưu trữ tiên tiến của các nước. Ông Đặng Thanh Tùng mong muốn, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trong Bộ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tận dụng các nguồn lực hợp tác để tham khảo kinh nghiệm quốc tế, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia Nguyễn Đăng Quế cho biết, năm 2022, Học viện tiếp tục bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, chủ động phối hợp với các đối tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức các nước có phối hợp; tham gia tích cực các diễn đàn quốc tế về hành chính, hiện đại hóa công vụ; tiếp tục bồi dưỡng các khóa cho công chức cao cấp các nước như Cuba, Băng la đét, Lào…
Ông Nguyễn Đăng Quế cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ, sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của Vụ Hợp tác quốc tế để Học viện triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế năm 2022 và các năm tiếp theo.
Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội Nguyễn Bá Chiến nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nếu tách rời hợp tác quốc tế sẽ bị giảm đi sức mạnh; đồng thời; qua hợp tác quốc tế sẽ nâng cao chất lượng, uy tín của nhà trường. Thời gian qua, nhà trường đã có hợp tác với 53 đối tác nước ngoài, ký kết 23 biên bản ghi nhớ.
Ông Nguyễn Bá Chiến đề nghị lãnh đạo Bộ cho phép nhà trường tiếp tục kế thừa việc hợp tác với các đối tác và tiếp tục thực hiện các biên bản ghi nhớ sau khi sáp nhập vào Học viện Hành chính quốc gia. Cùng với đó, tiếp tục được tham gia các hội nghị, hội thảo, sự kiện quốc tế để nâng cao năng lực đội ngũ, tạo điều kiện mở rộng với các đối tác khác.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn mong muốn được tham khảo kinh nghiệm quốc tế hoặc hỗ trợ kỹ thuật trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhất là về quy trình, điều kiện sắp xếp…; tham khảo mô hình chính quyền đô thị các nước và chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đánh giá cao các báo cáo do Vụ Hợp tác quốc tế chuẩn bị và các ý kiến phát biểu thẳng thắn, đúng trọng tâm và có những đề xuất, kiến nghị thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác của Bộ Nội vụ nói chung và của các đơn vị nói riêng.
Thứ trưởng nhấn mạnh, với quyết tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là "đoàn kết, thống nhất cao với tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể, biến cái không quan trọng trở thành quan trọng", Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại trên các lĩnh vực; hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ACCSM 21; triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; tiến hành các hoạt động thể hiện vai trò của Bộ Nội vụ trong thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tiếp tục bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, triển khai chủ động, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới trên nhiều lĩnh vực; tham gia tích cực và chủ động vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.
Quản lý thống nhất mọi hoạt động đối ngoại của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Vụ Hợp tác quốc tế là một đầu mối, cần có cơ chế quản lý, phối hợp hướng dẫn các đơn vị để năm được mọi hoạt động từ việc tiếp khách quốc tế, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế đến việc ký kết các Thỏa thuận quốc tế, các chương trình, dự án hợp tác... Nếu các đơn vị có gì khúc mắc, chưa rõ, các đơn vị chủ động kiến nghị, đề xuất sớm để đảm bảo có sự chỉ đạo nhất quán của lãnh đạo Bộ cho toàn bộ hoạt động hợp tác quốc tế, tránh trùng lắp, dàn trải, thiếu hiệu quả, chệch hưởng.
Bên cạnh đó, có các giải pháp tăng cường, phát triển quan hệ với các cơ quan, tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn cũng như gia tăng sự gắn kết giữa Bộ Nội vụ với các đối tác tương đồng của khu vực và thế giới; thực hiện các cam kết đa phương; đảm nhận thành công các trong trách đa phương. Đẩy mạnh áp dụng, nội luật hóa các tiêu chuẩn, chuẩn mực của khu vực và quốc tế trên các lĩnh vực công vụ, công chức, tôn giáo, lưu trữ, vận dụng hiệu quả các cam kết quốc tế, các luật lệ và chuẩn mực chung. Tăng cường tham gia vào hoạt động của các hiệp hội, tổ chức, diễn đàn quốc tế về các lĩnh vực công tác của Bộ.
Thứ trưởng cũng lưu ý, gắn kết việc các hoạt động hợp tác quốc tế với vai trò của Bộ Nội vụ trong thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đồng thời, có giải pháp rõ ràng nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực đội ngũ công chức, viên chức đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong triển khai công tác đối ngoại, không chỉ là đối với công chức, viên chức trực tiếp làm công tác hợp tác quốc tế mà là toàn bộ đội ngũ công chức, viên chức với xu hướng chung là các hoạt động công vụ trên mọi lĩnh vực phải phù hợp với các luật lệ quốc tế, chuẩn mực chung và cam kết quốc tế mà nước ta tham gia. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực về ngoại ngữ và chuyên môn cho các cán bộ làm công tác đối ngoại.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2022, Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức Hội nghị những người đứng đầu nên công vụ các nước ASEAN. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải tập trung nhân sự, từ chủ trì đến phối hợp, từ nội dung đến công tác hậu cần, thông tin tuyên truyền, cần huy động tổng lực tất cả đội ngũ làm công tác hợp tác quốc tế của Bộ. Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của Bộ, của đất nước, do vậy phải tham gia hết sức trách nhiệm để đảm bảo tổ chức thành công Hội nghị, góp phần nâng cao hơn nữa vị thể và vai trò của Việt Nam trong khối ASEAN và trên thế giới.
Nguồn: www.moha.gov.vn