PrintAaa

Triển lãm tài liệu lưu trữ “Hội nghị Paris – Cuộc đàm phán lịch sử”

15:46 09/01/2023
Nhân Kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973-27/01/2023), sáng ngày 05/01, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm tài liệu lưu trữ “Hội nghị Paris – Cuộc đàm phán lịch sử”. 
Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm

Tham dự Lễ khai mạc có ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, các đơn vị chức năng và sự nghiệp thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, Đại diện Đại sứ quán các nước, đại diện các Trung tâm Lưu trữ Lịch sử các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nội, các đại biểu là Giảng viên, phóng viên của các cơ quan văn hóa...
 
Đại biểu dự Lễ khai mạc Triển lãm

Đặc biệt, Triển lãm vinh dự được đón tiếp ông Phạm Ngạc, Phiên dịch viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Paris; ông Đào Chí Công cùng các đồng đội trong Ban Liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis.
 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu chào mừng tại buổi Lễ
 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, Triển lãm có ý nghĩa lịch sử, văn hóa hết sức quan trọng, cung cấp cho các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà ngoại giao cái nhìn toàn diện, chân thực về bối cảnh quá trình diễn ra Hội nghị; giúp công chúng tham quan triển lãm khắc ghi và tự hào về sự lãnh đạo của Đảng, về truyền thống vẻ vang của dân tộc, sự thắng lợi của Việt Nam trong quá trình giành độc lập, thống nhất đất nước.
 
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu khai mạc Triển lãm
 
Nhấn mạnh Triển lãm là hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, cuộc đàm phán tại Paris kéo dài gần 5 năm, trải qua hàng trăm cuộc họp công khai, các cuộc gặp riêng cao cấp, cuộc họp bí mật, hàng ngàn cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mittinh ủng hộ Việt Nam, đến ngày 27/01/1973, Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.

Nội dung chủ yếu của Hiệp định là Hoa Kỳ và các nước khác phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ phải chấm dứt hoàn toàn chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của Việt Nam. Đồng thời, phải đảm bảo quyền tự quyết và các quyền tự do, dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam.

“Hiệp định Paris là một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc, là thắng lợi hết sức to lớn trên mặt trận ngoại giao, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam”, ông Đặng Thanh Tùng khẳng định.
 
Ông Phạm Ngạc, Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao, phiên dịch viên Đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa chia sẻ kỷ niệm tại buổi Lễ

Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh và hiện vật đang được bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia: II, III; Lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, Lưu trữ Nga, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis và một số nhân chứng của Hội nghị,… đã khái quát về hoàn cảnh trong nước và quốc tế dẫn tới Hội nghị Paris; quá trình đàm phán, ký Hiệp định Paris là “cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới”; đồng thời, cũng là sự thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. 
 
Hình ảnh Triển lãm: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo tại Hội nghị Chính trị đặc biệt tại Hà Nội, tháng 3/1964, đề ra nhiệm vụ cụ thể xây dựng miền Bắc và chi viện cho cuộc kháng chiến ở miền Nam. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Ngoài phần dẫn nhập giới thiệu khái quát về hoàn cảnh lịch sử, về địa điểm Paris, Triển lãm gồm 3 phần:

Phần 1. Quá trình tiến tới đàm phán tại Paris.

Phần 2. Hội nghị Paris - Cuộc đấu trí quyết liệt.

Phần 3: Hiệp định Paris - Mốc son lịch sử.
 
Đại biểu tham quan triển lãm
 
Hình ảnh Triển lãm: Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ trong Hội nghị Paris, ngày 13/5/1968, tại phòng họp Trung tâm các Hội nghị quốc tế (đường Kleber, Paris, Cộng hòa pháp). Nguồn: TTLTQG III, Tài liệu ảnh Bộ Ngoại giao, SLT 2979-2242
 
Ông Henry A. Kissinger và ông Lê Đức Thọ bắt tay sau khi ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973. Nguồn: Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ


Sau gần 5 năm, với “201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam” , tới ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa các bên tham gia, là một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là thắng lợi hết sức to lớn trên mặt trận ngoại giao, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Hoa Kỳ buộc phải rút quân về nước là điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

Triển lãm là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm góp phần phát huy giá trị, nâng cao hiệu quả sử dụng tài liệu lưu trữ; góp phần bồi dưỡng, giáo dục tinh thần kiên cường, bất khuất, yêu nước, yêu độc lập tự do; ca ngợi và tự hào với truyền thống anh dũng đấu tranh giành độc lập trên mọi mặt trận của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: www.moha.gov.vn