Nhờ thực hiện tốt việc quán triệt chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính nên công tác sắp xếp đon vị hành chính ở đa số địa phương đã bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, quy trình và tiến độ theo kế hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021".
Báo cáo tại phiên họp, đại diện đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, ngày 12/3/2019, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ đã trình UBTVQH ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong số 45 tỉnh, thành phố đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 thì đa số các địa phương (30/45 tỉnh, thành phố) từ Thừa Thiên Huế trở ra là có nhiều đơn vị được sắp xếp;15 tỉnh, thành phố còn lại ở khu vực phía nam có số đơn vị được sắp xếp không lớn.
Về tình hình thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh đoàn giám sát nhận thấy, nhờ làm tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính nên việc sắp xếp ở đa số địa phương đã bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, quy trình và tiến độ theo kế hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Thực tiễn đã cho thấy, nơi nào có quyết tâm, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt chỉ đạo của cấp ủy (nhất là của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy) thì nơi đó làm rất tốt việc sắp xếp.
Kết quả, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị cấp huyện và 1.056 đơn vị cấp xã, qua đó giảm được 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Về tính hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh mấy điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tinh gọn thông qua việc giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã; 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện.
Thứ hai, về ngân sách Nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng.
Thứ ba, về hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, theo báo cáo của các địa phương, sau khi thực hiện sắp xếp, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra. Công tác quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đều được bảo đảm.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, sau phiên họp thứ 9 này, đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung Báo cáo kết quả giám sát (dự kiến trong tháng 4/2022). Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát để xin ý kiến các cơ quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình UBTVQH theo kế hoạch, cố gắng hoàn thành sớm hơn thời hạn đã định (tháng 9/2022).
Nguồn: https://baochinhphu.vn