PrintAaa

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền

17:29 18/05/2023

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa thay mặt UBND tỉnh ký ban hành chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Hà Tĩnh.

Chỉ thị nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm người đứng đầu; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp” - là một trong ba đột phá chiến lược góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

UBND tỉnh yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, thẩm định, đánh giá Chỉ số CCHC hằng năm.

Xác định tầm quan trọng đó, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung quyết liệt thực hiện Chương trình tổng thể CCHC tỉnh giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi là Chương trình tổng thể); các cấp chính quyền trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định đem lại lợi ích thiết thực, tiết kiệm về thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; từng bước hoàn thiện phương pháp quản lý, điều hành; chấn chỉnh lề lối, tác phong, ý thức, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình tổng thể CCHC như: việc tuyên truyền, phổ biến, triển khai ở một số cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, sáng tạo; người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sâu sát và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, chưa mạnh dạn đưa ra các giải pháp mạnh mẽ có tính đột phá trong thực hiện; một số nội dung liên quan cải cách thủ tục hành chính (TTHC) chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC, tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, xử lý trực tuyến toàn trình chưa cao; kỷ cương, kỷ luật hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm, vẫn còn một số biểu hiện vi phạm đạo đức công vụ, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân trong thi hành công vụ. Bên cạnh đó, tiến trình chuyển đổi số của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) đang đạt thấp; chưa kịp thời nhân rộng các mô hình hay, sáng kiến mới có tính đột phá trong CCHC để áp dụng vào thực tiễn…

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh Chương trình tổng thể CCHC theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi là Nghị quyết số 12-NQ/TU), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban ngành, đơn vị cấp tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và chủ tịch UBND các cấp Thực hiện tốt các nội dung dưới đây.

Trước hết, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của nhà nước về CCHC, xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

Triển khai công tác CCHC giai đoạn 2021-2030 của tỉnh thống nhất, đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, mạnh dạn đột phá trên các lĩnh vực, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đáp ứng triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, Đề án triển khai Nghị quyết 12-NQ/TU và Quyết định số 3504/QĐ-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình tổng thể CCHC của tỉnh giai đoạn 2021-2030.

Các cấp, các ngành và địa phương xác định CCHC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, tổ chức và xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC. Trong quá trình thực hiện, cần thông tin, tuyên truyền một cách sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa và các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, kết quả thực hiện Chương trình tổng thể CCHC đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội; thực hiện việc sơ kết, tổng kết thực hiện CCHC hằng năm, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích nổi bật trong việc thực hiện Chương trình tổng thể.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình tổng thể CCHC và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả, tiến độ nhiệm vụ CCHC; thường xuyên kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện CCHC; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Kết luận số 29-KL/TU ngày 22/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản có liên quan. Xử lý nghiêm theo quy định nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình xảy ra tình trạng tham nhũng, có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, thẩm định, đánh giá Chỉ số CCHC hằng năm đảm bảo thực chất, phù hợp tiến trình chuyển đổi số; đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế công lập phù hợp với Chương trình tổng thể CCHC và yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở.

Thực hiện xây dựng, áp dụng, nhân rộng các sáng kiến, mô hình, cách làm hay trên các lĩnh vực vào thực tiễn tạo bước đột phá trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC.

Thứ ba, tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung, lĩnh vực CCHC trong Chương trình tổng thể CCHC. Thực hiện tốt cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong triển khai các nội dung CCHC để bảo đảm Chương trình tổng thể được triển khai đồng bộ, thống nhất theo lộ trình và đạt mục tiêu đã đề ra. Lấy kết quả thực hiện CCHC hằng năm làm thước đo, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xem xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ được xác định trọng tâm, đột phá trong Chương trình tổng thể CCHC, trong đó tập trung thực hiện các nội dung đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt trong thời gian qua và trong thời gian tới.

Cụ thể, công tác cải cách thể chế là trọng tâm trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC; trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Cải cách TTHC một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn, tiếp tục xem đây là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC.

Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt cải cách chế độ công vụ, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị.

Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số là trọng tâm trong Chương trình tổng thể, đáp ứng tiến trình chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình.

Thứ năm, chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp các cấp phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực trong tiến trình thực hiện Chương trình tổng thể CCHC, gắn với phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thứ sáu, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; chủ tịch UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ quán triệt, cụ thể hóa chỉ thị này phù hợp với điều kiện thực tiễn để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Nguồn: https://baohatinh.vn