Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (Quy chế)
Theo quy chế, Hội đồng tuyển dụng công chức, viên chức; Hội đồng thi nâng ngạch công chức; Hội đồng thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (sau đây gọi chung là Hội đồng) do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng hoặc tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quyết định thành lập. Hội đồng hoạt động theo từng kỳ tuyển dụng hoặc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hội đồng tuyển dụng công chức (thi tuyển, xét tuyển) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Hội đồng tuyển dụng viên chức (thi tuyển, xét tuyển) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Hội đồng thi nâng ngạch công chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
Hội đồng thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (thi thăng hạng, xét thăng hạng) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.
Cũng theo quy chế, không bố trí làm thành viên Hội đồng đối với những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc của bên vợ (chồng) hoặc vợ hoặc chồng hoặc là con đẻ hoặc con nuôi của người dự tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.
Không thành lập Hội đồng để cùng tổ chức việc tuyển dụng công chức, viên chức và thi nâng ngạch công chức hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Quy chế cũng quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thành viên tham gia Hội đồng, gồm: Chủ tịch Hội đồng; các Phó Chủ tịch Hội đồng; Ủy viên Hội đồng; Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng.
Các bộ phận giúp việc của Hội đồng, gồm: Ban đề thi; Ban coi thi; Ban phách; Ban chấm thi; Ban chấm phúc khảo; Ban kiểm tra, sát hạch; Ban kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển; Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng; Tổ in sao đề thi cũng được quy định chi tiết trong Quy chế.
Về tổ chức thi, xét tuyển công chức, viên chứ, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, gồm:
Công tác tổ chức: Công tác chuẩn bị; Công tác xây dựng đề thi; Tổ chức khai mạc; Tổ chức họp Ban coi thi; Cách bố trí, sắp xếp phòng thi; Cách thức tổ chức thi trắc nghiệm tại vòng 1.
Thi trắc nhiệm trên máy tính, gồm: Nguyên tắc của việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, đáp án thi trên máy vi tính; Trách nhiệm của giám thị phòng thi, giám thị hành lang; Quyền của người dự thi khi khi trắc nghiệm trên máy vi tính; Giải quyết kiến nghị về bài thi.
Thi trắc nghiệm trên giấy, thi viết, thi phỏng vấn, thực hành, gồm: Công tác chuẩn bị đề thi; Giấy làm bài thi, giấy nháp; Xác nhận tình trạng đề thi và mở đề thi; Cách tính thời gian làm bài thi; Coi thi và thu bài thi viết, thi trắc nghiệm trên giấy; Chấm thi viết, thi trắc nghiệm trên giấy; Chấm phúc khảo thi viết, thi trắc nghiệm trên giấy; Xử lý két quả thi sau khi có kết quả phúc khảo; Chấm điểm phỏng vấn, thực hành, bảo vệ đề án; Ghép phách và tổng hợp kết quả thi.
Về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, gồm: Nhiệm vụ của Hội đồng; Ban Thẩm định hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phải thành lập Ban giám sát gồm Trưởng ban và các thành viên, trong đó có một thành viên kiêm Thư ký…
Hồ sơ, tài liệu về kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bao gồm: Các văn bản về tổ chức kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức; các văn bản của Hội đồng trong quá trình tổ chức thực hiện; biên bản các cuộc họp Hội đồng; danh sách tổng hợp người đủ điều kiện dự tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; các biên bản bàn giao đề thi, biên bản xác định tình trạng niêm phong đề thi, biên bản bàn giao bài thi, đề thi gốc, biên bản chấm thi, bảng tổng hợp kết quả thi, biên bản phúc khảo, biên bản lập về các vi phạm quy chế, nội quy (nếu có), quyết định công nhận kết quả thi, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có) và các loại biên bản, văn bản, tài liệu khác liên quan đến kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày kết thúc kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng chịu trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này kèm theo các túi đựng bài thi, túi đựng đầu phách còn nguyên niêm phong cho lưu trữ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để tổ chức lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Quy định đối với thi sinh, phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Trang phục gọn gàng, văn minh, lịch sự. Trường hợp thí sinh dự thi đến chậm quá 30 phút tính từ khi bắt đầu giờ làm bài thi thì không được dự thi. Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh để giám thị đối chiếu trước khi vào phòng thi.
Ngồi đúng chỗ theo số báo danh, để Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh lên mặt bàn để các giám thị phòng thi và các thành viên Hội đồng thi kiểm tra.
Chỉ được mang vào phòng thi thước kẻ, bút viết để làm bài thi và một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo; không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác). Chỉ sử dụng loại giấy thi được phát để làm bài thi; phải ghi đầy đủ các mục quy định đối với thí sinh trên giấy làm bài thi.
Bài thi chỉ được viết bằng một loại mực có màu xanh hoặc màu đen.
Không được sử dụng các loại mực màu khác, mực nhũ, mực phản quang, bút chì để làm bài thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác); không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng lên bài thi. Trừ phần ghi bắt buộc trên trang phách, thí sinh không được ghi họ tên, chữ ký của thí sinh, chức danh, tên cơ quan, hoặc các dấu hiệu khác lên bài thi. Tuân thủ mọi hướng dẫn của giám thị; giữ trật tự và không được hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích trong phòng thi.
Không được trao đổi với người khác trong thời gian thi, không được trao đổi giấy thi, giấy nháp, không được chép bài hoặc nhìn bài thi của thí sinh khác hoặc có bất kỳ một hành động gian lận nào khác. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép, truyền tải thông tin có liên quan đến đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận thông tin từ ngoài vào phòng thi.
Nếu cần hỏi điều gì, phải hỏi công khai giám thị phòng thi. Trường hợp cần viết lại thì gạch chéo hoặc gạch ngang phần đã viết trong bài thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác).
Không được ra ngoài phòng thi đối với môn thi hoặc phần thi có thời gian thi từ dưới 60 phút, trừ trường hợp quy định tại điểm b Khoản 15 Điều này. Đối với môn thi viết, chỉ được ra khỏi phòng thi sớm nhất sau 2/3 thời gian làm bài thi. Trường hợp nhất thiết phải ra khỏi phòng thi phải được Trưởng ban coi thi giải quyết.
Trong thời gian không được ra ngoài phòng thi theo quy định tại khoản 12 Điều này, nếu thí sinh có đau, ốm bất thường thì phải báo cho giám thị phòng thi và giám thị phòng thi phải báo ngay cho Trưởng ban coi thi xem xét, giải quyết. Ngừng làm bài và nộp bài cho giám thị phòng thi ngay khi giám thị tuyên bố hết thời gian làm bài thi. Phải ghi rõ tổng số tờ giấy thi đã nộp và ký vào danh sách nộp bài thi. Trường hợp không làm được bài, thí sinh cũng phải nộp lại giấy thi…
Nội quy cũng quy định cụ thể đối với các trường hợp: Xử lý vi phạm đối với thí sinh dự thi; Quy định đối với giám thị phòng thi, giám thị hành lang; Xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm nội quy, quy chế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2021.
Bộ Nội vụ đăng tải toàn văn Thông tư, Quy chế và Nội quy trên chuyên mục “Thông báo” của Cổng thông thông tin điện tử Bộ Nội vụ.