PrintAaa

Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp giai đoạn 2023 - 2026, định hướng 2030”

14:52 15/06/2023
Ngày 10/5/2023, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 14/QĐ-BCSĐ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp giai đoạn 2023 - 2026, định hướng 2030”.

Theo đó, mục tiêu chung là tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; gắn tạo nguồn cán bộ trẻ với đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030.

Ít nhất 01 cán bộ thuộc đối tượng 1 của Đề án Thứ trưởng được bổ sung quy hoạch

Theo Đề án, mục tiêu cụ thể Giai đoạn 1 (2023 - 2026) là:

Xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ tham gia Đề án: Cán bộ trẻ đối tượng 1: Số lượng được tổng hợp thực tế qua rà soát cán bộ đủ tiêu chuẩn quy định của Đề án. Cán bộ trẻ đối tượng 2: 40 - 45 người đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Đề án.

Phấn đấu cử 100% cán bộ trẻ của Đề án tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước hoặc nước ngoài về lý luận chính trị; chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ.

Đề xuất quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ sau khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng và đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, cụ thể: Đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm cán bộ trẻ đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ chức vụ cao hơn 01 bậc so với chức vụ hiện đang đảm nhiệm và phấn đấu bổ sung quy hoạch Thứ trưởng: ít nhất 01 cán bộ thuộc đối tượng 1 của Đề án. Xem xét, bổ sung cán bộ trẻ đối tượng 2 của Đề án vào quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ và tương đương; đồng thời, phấn đấu bổ nhiệm 10% cán bộ trẻ đối tượng 2 của Đề án giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương.

Giai đoạn 2 (2026 - 2030), tiếp tục thực hiện việc tạo nguồn và đào tạo, bồi dưỡng như Giai đoạn 1.

Đề xuất bổ nhiệm cán bộ sau khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể: Đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm cán bộ trẻ đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ chức vụ cao hơn 01 bậc so với chức vụ hiện đang đảm nhiệm và phấn đấu bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng: ít nhất 01 cán bộ thuộc đối tượng 1 của Đề án. Ngoài ra, xem xét, bổ sung cán bộ trẻ đối tượng 2 của Đề án vào quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ và tương đương; đồng thời, phấn đấu bổ nhiệm 20% cán bộ trẻ đối tượng 2 của Đề án giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương.

Tiêu chuẩn đối với cán bộ trẻ tham gia Đề án

Về tiêu chuẩn chung, cán bộ trẻ cần đáp ứng ít nhất một trong hai tiêu chuẩn chung sau: Được cơ quan, đơn vị sử dụng đánh giá có phẩm chất, năng lực thực tiễn, uy tín và có triển vọng phát triển; 03 năm liên tiếp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 01 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Về tiêu chuẩn cụ thể, cán bộ trẻ được giao trực tiếp tham mưu xây dựng ít nhất 02 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài nghiên cứu khoa học, đề án cấp Bộ trở lên đã được nghiệm thu, ban hành (trong đó có ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật); đối với cán bộ trẻ được tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, tham gia xây dựng ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài nghiên cứu khoa học, đề án cấp Bộ trở lên đã được nghiệm thu, ban hành.

Đối tượng ưu tiên tham gia Đề án, thực hiện theo thứ tự sau: (1) Cán bộ đang giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; (2) Cán bộ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; (3) Cán bộ có giải thưởng từ cấp tỉnh trở lên trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông, bậc đại học và sau đại học (ưu tiên cán bộ có giải thưởng cấp cao hơn); (4) Cán bộ là người dân tộc thiểu số; (5) Cán bộ là nữ.

Đề án đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp triển khai: Thứ nhất, phát hiện và tuyển chọn cán bộ trẻ tham gia Đề án; Thứ hai, về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ trẻ đã được tuyển chọn; Thứ ba, đánh giá cán bộ trẻ sau đào tạo, bồi dưỡng làm cơ sở phục vụ công tác cán bộ của Bộ. Hình thức tuyển chọn: Lựa chọn cán bộ trẻ Đề án bằng hình thức thi tuyển.

Quy trình tuyển chọn, được thực hiện qua ba bước

Bước 1: Đề xuất danh sách

Hằng năm, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu, trình Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án và gửi các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ triển khai tại cơ quan. Căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ trẻ của Đề án, tập thể cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và người đứng đầu tổ chức đoàn thể của đơn vị sử dụng cán bộ tiến hành họp, rà soát, đánh giá, đề xuất cán bộ trẻ tham gia Đề án thông qua Phiếu giới thiệu. Cán bộ đạt từ 50% tín nhiệm đồng ý trở lên thì được đề xuất vào danh sách tham gia tuyển chọn cán bộ trẻ của Đề án.

Trên cơ sở kết quả Phiếu giới thiệu, cơ quan sử dụng cán bộ lập danh sách và gửi hồ sơ đề xuất về Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ.

Bước 2: Tuyển chọn cán bộ

Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu, trình Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án với số lượng 05 hoặc 07 thành viên. Hội đồng tuyển chọn cán bộ bằng hình thức chấm thi trình bày chủ đề và phỏng vấn, cụ thể như sau: a) Hội đồng quyết định danh mục chủ đề phục vụ công tác tuyển chọn cán bộ Đề án. Chậm nhất trong thời hạn 10 ngày làm việc tính từ ngày cán bộ bốc thăm chủ đề, Hội đồng tuyển chọn tiến hành họp và chấm thi trình bày chủ đề và phỏng vấn. b) Thời gian trình bày chủ đề tối đa 15 phút. Thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến chủ đề 30 phút. C) Điểm trình bày chủ đề được chấm theo thang điểm 100, cơ cấu điểm gồm 03 phần: (1) Viết chủ đề: 30 điểm; (2) Trình bày chủ đề: 40 điểm; (3) Trả lời câu hỏi phỏng vấn và xử lý tình huống: 30 điểm.

Kết quả điểm thi là trung bình cộng điểm của các thành viên Hội đồng tham gia chấm thi. Trường hợp có thành viên Hội đồng cho tổng số điểm chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 20% trở lên so với điểm trung bình cộng thì điểm của thành viên này không được chấp nhận và kết quả được tính là điểm trung bình cộng của các thành viên còn lại.

Bước 3: Thông qua danh sách

Trên cơ sở kết quả điểm thi trình bày chủ đề và phỏng vấn, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ xem xét, phê duyệt danh sách kết quả điểm của cán bộ. Cán bộ đạt từ 70 điểm trở lên thì được công nhận đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia Đề án. Trong trường hợp, số lượng cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn vượt quá số lượng tạo nguồn lãnh đạo, quản lý của từng giai đoạn thì lựa chọn theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp và nếu các cán bộ có số điểm bằng nhau thì lực chọn theo tứ tự ưu tiên tại điểm 3.3, khoản 3, Mục II của Đề án. Ban Cán sự đảng Bộ xem xét, thông qua danh sách cán bộ trẻ của Đề án.

Hồ sơ cán bộ trẻ tham gia Đề án, bao gồm: (i) Văn bản đề nghị giới thiệu cán bộ trẻ của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ (kèm danh sách trích ngang của cán bộ). (ii) Sơ yếu lý lịch do cán nhân tự khai theo mẫu quy định, được cơ quan trực tiếp quản lý xác nhận, có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ. (iii) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ. (iv) Bản nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng trong thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị. (v) Bản nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, về năng lực công tác, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và (vi) Biên bản kết quả kiểm phiếu Phiếu giới thiệu cán bộ của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ.

Lộ trình thực hiện

Giai đoạn 2023 - 2026, trình Ban Cán sự đảng Bộ phê duyệt: Kế hoạch triển khai Đề án; Kế hoạch tuyển chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Đề án; phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, lựa chọn, giới thiệu, đề xuất công chức, viên chức tham gia Đề án bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo đúng quy trình, quy định; Kế hoạch và tổ chức thực hiện bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài đối với cán bộ trẻ của Đề án; Kế hoạch lựa chọn một số cán bộ của Đề án để điều động, biệt phái giữa các cơ quan, đơn vị của Bộ nhằm rèn luyện, thử thách qua thực tiễn. Sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án giai đoạn 2023 - 2026.

Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục rà soát, tuyển chọn cán bộ trẻ tham gia Đề án; tiếp tục xây dựng, trình Ban Cán sự đảng Bộ phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước; điều động, biệt phái đối với cán bộ trẻ của Đề án. Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án cả hai giai đoạn.

Đề án yêu cầu xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ là khâu đột phá của công tác cán bộ nhằm bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trẻ của Bộ. Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, sát với từng đối tượng của Đề án. Đồng thời, thực hiện việc đánh giá, sàng lọc cán bộ trẻ sau đào tạo, bồi dưỡng, gắn với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ.