PrintAaa

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức

10:14 12/12/2018

Theo đó, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung các điều: Điều 4 (Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức); Điều 5 (Ưu tiên trong tuyển dụng công chức); Điều 7 (Hội đồng tuyển dụng công chức); Điều 8 (các môn thi và hình thức thi), Điều 9 (điều kiện miễn thi một số môn) và Điều 10 (cách tính điểm) thành Điều 8 (nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển công chức).
Cụ thể, thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi: Thi trắc nghiệm; thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Vòng 1 thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức không có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy.
Nội dung thi trắc nghiệm gồm 3 phần
Phần I:  Kiến thức chung 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển. Thời gian thi 60 phút.
Phần II: Ngoại ngữ 30 câu hỏi là một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Thời gian thi 30 phút. Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ thì người dự tuyển không phải thi ngoại ngữ tại vòng 1.
Phần III: Tin học 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút. Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là tin học thì người dự tuyển không phải thi tin học tại vòng 1.
Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học.
Miễn phần thi ngoại ngữ (vòng 1) đối với các trường hợp sau: Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ; có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam; người dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền công nhận.
Miễn phần thi tin học (vòng 1) đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học hoặc toán - tin trở lên.
Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2 theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tổ chức thi vòng 1 trên máy vi tính thì phải thông báo kết quả cho thí sinh được biết ngay sau khi làm bài thi trên máy vi tính; không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 1 trên máy vi tính.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tổ chức thi vòng 1 trên giấy thì việc chấm thi thực hiện như sau: Chậm nhất là 15 ngày sau ngày kết thúc thi vòng 1 phải hoàn thành việc chấm thi vòng 1; chậm nhất là 5 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1 phải công bố kết quả điểm thi để thí sinh dự thi biết và thông báo việc nhận đơn phúc khảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả điểm thi trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức.
Trường hợp có đơn phúc khảo thì chậm nhất là 15 ngày sau ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo phải hoàn thành việc chấm phúc khảo và công bố kết quả chấm phúc khảo để thí sinh dự thi được biết. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn trong quá trình tổ chức chấm thi, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định kéo dài thời hạn thực hiện các công việc này nhưng không quá 15 ngày.
Chậm nhất là 5 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1 theo quy định tại điểm đ, điểm e khoản này, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phải thông báo triệu tập thí sinh dự thi vòng 2. Chậm nhất là 15 ngày sau ngày thông báo triệu tập thí sinh được tham dự vòng 2 thì phải tiến hành tổ chức thi vòng 2.
Vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành. Nội dung thi kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau bảo đảm phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Hình thức thi nghiệp vụ chuyên ngành là thi phỏng vấn hoặc thi viết. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định hình thức thi phỏng vấn hoặc thi viết. Trường hợp vòng 2 được tổ chức bằng hình thức phỏng vấn thì không thực hiện việc phúc khảo. Thang điểm (thi phỏng vấn hoặc thi viết) 100 điểm. Thời gian thi phỏng vấn 30 phút, thi viết 180 phút.
Xác định người trúng tuyển
Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau: Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên; có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này cộng với điểm ưu tiên quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
Về chế độ tập sự đối với công chức, thời gian tập sự 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại C và 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại D. thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.
Không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự quy định tại Khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 6 Điều 25 (Điều kiện, tiêu chuẩn xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên) như sau: 3. Trường hợp là công chức cấp xã thì phải có thời gian làm công chức cấp xã từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự, nếu có thời gian công tác không liên lục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn). 6. Việc tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên thì quy trình xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên được thực hiện đồng thời với quy trình về công tác bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức không phải ban hành quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển mà quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng công chức…
Bên cạnh đó, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều như sau; Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 (Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức); Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 (Hội đồng tuyển dụng viên chức); Sửa đổi, bổ sung Điều 7, Điều 8 và Điều 9 thành Điều 7 (Nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển viên chức); Sửa đổi, bổ sung Điều 10 (Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức); Sửa đổi, bổ sung Điều 11 và Điều 12 thành Điều 11 (nội dung và hình thức xét tuyển viên chức); Sửa đổi, bổ sung Điều 13 (Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức); Sửa đổi, bổ sung Điều 14 (Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức); Sửa đổi, bổ sung Điều 15 (Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển viên chức); Sửa đổi, bổ sung Điều 17 (Thông báo kết quả tuyển dụng viên chức); Sửa đổi, bổ sung Điều 18 (Các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc); Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3, bổ sung khoản 5 Điều 20 (Chế độ tập sự đối với viên chức);…
Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/1/2019.