PrintAaa

Hội nghị triển khai Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 - 2030 và Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022

11:28 29/11/2022

Chiều ngày 29/11, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 - 2030 và Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022.

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và công chức của Vụ Tổ chức cán bộ/đơn vị phụ trách cải cách hành chính các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo, công chức Vụ Cải cách hành chính và một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.

 

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng nhấn mạnh, Đề án 876 vừa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành kèm theo Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Đây là Hội nghị thứ hai, tiếp theo Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án xác định chỉ số cải cách hành chính và Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 cho các địa phương diễn ra ngày 22/11/2022.

Vụ trưởng Phạm Minh Hùng cũng cho biết, năm nay việc triển khai này được thực hiện sớm hơn mọi năm, hi vọng kết thúc quá trình đánh giá sớm để công bố Chỉ số cải cách hành chính đồng hành hoặc trước việc công bố các chỉ số do các tổ chức bên ngoài công bố như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), như vậy sẽ có ý nghĩa hơn đối với công tác quản lý của các cấp lãnh đạo.

Theo Vụ trưởng Phạm Minh Hùng, Đề án lần này cũng là sự kế thừa của Đề án số 1149 ban hành kèm theo Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có những đổi mới, có những tinh gọn và sát thực tiễn hơn, để bảo đảm từng bước chuyển dịch việc đánh giá kết quả cải cách hành chính đồng bộ với việc đánh giá các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như là đánh giá tác động của cải cách hành chính, giảm bớt dần đánh giá quá trình triển khai, những hoạt động.

Về Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, tập trung vào 2 phần chính là: (1) Công tác tự đánh giá chấm điểm và thẩm định; (2) Tổ chức điều tra xã hội học, để có 2 thông tin quan trọng tổng hợp vào kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022.

Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, quán triệt toàn bộ những nội dung cơ bản của Đề án 876 ngày 10/11/2022, trong đó, đặc biệt quán triệt thống nhất về mục tiêu, nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở trình bày của Bộ Nội vụ về hướng dẫn phương pháp, cách thức chấm điểm, các Bộ, ngành cần nắm được các nhiệm vụ của Kế hoạch số 878 ban hành kèm theo Quyết định số 878/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về trách nhiệm triển khai, trong đó yêu cầu về chất lượng, nội dung, thời gian, quán triệt để tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành triển khai một cách đầy đủ, đồng bộ các nội dung của Kế hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian quy định.

 

Ông Phùng Doãn Hưng, Chuyên viên chính Vụ Cải cách hành chính trình bày Đề án tại Hội nghị

 

Tại Hội nghị, ông Phùng Doãn Hưng, Chuyên viên chính Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) đã trình bày nội dung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Đối tượng áp dụng của Đề án gồm 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ). Trong đó, 02 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ còn lại. 63 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với Chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được cấu trúc thành 07 lĩnh vực, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần, cụ thể là: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 7 tiêu chí và 6 tiêu chí thành phần; Cải cách thể chế: 9 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần; Cải cách thủ tục hành chính: 6 tiêu chí và 19 tiêu chí thành phần; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 4 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần; Cải cách chế độ công vụ: 6 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần; Cải cách tài chính công: 3 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần; Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số: 3 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần.

Thang điểm đánh giá là 100 điểm. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 31,50/100.

Về phương pháp đánh giá, các Bộ tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính của 17 Bộ, cơ quan được xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính của 2 cơ quan đặc thù không xếp hạng chung với 17 Bộ, cơ quan.

 

Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đỗ Quý Tiến trình bày Kế hoạch tại Hội nghị

Trình bày Kế hoạch triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các ộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” được ban hành kèm theo Quyết định số 878/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Đỗ Quý Tiến cho biết, mục đích của Kế hoạch nhằm xác định được Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 vào đầu Quý II năm 2023.

Bên cạnh đó, Kế hoạch yêu cầu các nhiệm vụ, tiến độ thời gian, trách nhiệm trong triển khai Kế hoạch được xác định rõ ràng, phù hợp với điều kiện cụ thể. Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ, các tỉnh trong triển khai thực hiện Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính. Tổ chức công tác tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, các tỉnh bảo đảm trung thực, khách quan, đúng qui định.

Tổ chức điều tra xã hội học theo bộ câu hỏi điều tra xã hội học đối với từng nhóm đối tượng điều tra, khảo sát qui định trong Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm khách quan, phù hợp với Để ăn xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định số 979/QĐ-BNV ngày 18/11/2020 phê duyệt Đề án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”. Xác định được Chỉ số cải cách hành chính phản ánh thực chất, khách quan kết quả cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh năm 2022. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đối với cải cách hành chính nói chung và đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm của cá Bộ, các tỉnh nói riêng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch như: tài liệu kiểm chứng; cách chấm điểm đổi với trường hợp người vi phạm ở cơ quan này nhưng đã chuyển công tác sang cơ quan khác mới bị phát hiện và xử lý; vị trí việc làm; thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến toàn trình; việc chấp hành chỉ tiêu biên chế được giao;…

 

Quang cảnh Hội nghị

 

Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến của đại biểu tại Hội nghị; đồng thời, trực tiếp giải đáp và tiếp thu ý kiến của các đại biểu để làm căn cứ nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo hướng dẫn, sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ năm 2022. Để triển khai Đề án và Kế hoạch có hiệu quả, Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đề nghị: (1) Thống nhất những nội dung cơ bản của Quyết định số 876/QĐ-BNV từ mục đích, yêu cầu, phương thức, cách thức, trách nhiệm tổ chức triển khai để tham mưu cho lãnh đạo Bộ triển khai Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 một cách hiệu quả nhất. (2) Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ phận tham mưu triển khai công tác cải cách hành chính tại các đơn vị cần nắm rõ những nội dung, mục đích, yêu cầu, phương thức, cách thức, trách nhiệm được quy định trong Đề án để tham mưu cho lãnh đạo các Bộ, ngành một cách hiệu quả nhất. (3) Trong quá trình tổ chức thực hiện, các Bộ cần lưu ý quá trình chấm điểm phải kết hợp với quá trình tổng hợp dữ liệu kết hợp với quá trình tổng hợp các tài liệu kiểm chứng để làm đến đâu được đến đó, hoàn thành và đạt yêu cầu bảo đảm đúng quy định, tránh trường hợp làm đi làm lại. Nguyên tắc chấm điểm là đã có dữ liệu tại các Bộ, ngành rồi sẽ không bắt buộc phải cung cấp bổ sung. (4) Phối hợp với Bộ Nội vụ để tổ chức điều tra xã hội học. (5) Đối với Vụ Cải cách hành chính, Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đề nghị, rà soát lại công văn hướng dẫn trên cơ sở góp ý của các đại biểu để hoàn thiện trình lãnh đạo Bộ ký ban hành làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. (6) Các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu các nội dung trong văn bản hướng dẫn và cho ý kiến cụ thể hơn hoặc phản ánh ý kiến trực tiếp về Vụ Cải cách hành chính. (7) Trong quá trình triển khai các đồng chí lãnh đạo, công chức của Vụ Cải cách hành chính được giao nhiệm vụ cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc hướng dẫn, đôn đốc, triển khai kịp thời các nội dung theo đúng tiến độ. Phối hợp với các Bộ, ngành để xử lý các vướng mắc, các tồn tại, các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Kế hoạch. Việc xử lý thông tin cần linh hoạt thông qua việc sử dụng hiệu quả các tiện ích của mạng xã hội, các hình thức trao đổi thông tin khác ngoài văn bản giấy để kịp thời xử lý thông tin. (8) Kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai của các địa phương, đảm bảo chất lượng, trung thực, khách quan và phản ánh rõ trong Chỉ số cải cách hành chính năm 2022; đặc biệt là quá trình rà soát thông tin, phân quyền trong quá trình thẩm định, thẩm định lần 2, chấm điểm, nhập dữ liệu...

Một số hình ảnh các đại biểu phát biểu trao đổi tại Hội nghị:

 

 
 
 
 
 
Nguồn: www.moha.gov.vn