PrintAaa

Chứng minh nhân dân, căn cước công dân - Cơ sở dữ liệu về dân cư

17:00 26/08/2021

Ngày 03/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1368/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được xem là xu thế tất yếu, nhằm theo kịp xu hướng công nghệ 4.0, là bước tiến trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào hoạt động quản lý nhà nước, giúp cải cách hành chính một cách hiệu quả thay cho chứng minh nhân dân.

Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho Bộ Công an. Lực lượng công an các cấp, các đơn vị địa phương đã lãnh đạo chỉ đạo cán bộ chiến sĩ không quản ngày, đêm thực hiện quyết liệt cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử phục vụ nhân dân, gấp rút hoàn thành mục tiêu đề ra, đến ngày 01/7/2021 đã cấp được 50 triệu thẻ cho công dân cả nước.

Quay ngược lại thời gian, cách đây 57 năm, khi đất nước chưa phát triển về công nghệ số, công tác quản lý nhà nước còn áp dụng các phương thức quản trị thủ công, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 150/CP ngày 02/10/1964 về việc cấp giấy chứng minh.

Thực hiện Nghị định 150/CP của Hội đồng chính phủ, ngày 01/6/1965, Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh ban hành Thông báo số 857/N.C về việc cấp giấy chứng minh cho cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân trong tỉnh. Trong thông báo, Uỷ ban hành chính tỉnh đã quyết định uỷ nhiệm cho Ty Công an Hà Tĩnh chịu trách nhiệm về việc cấp giấy chứng minh trong tỉnh, làm việc theo nguyên tắc chung là:

1. Mọi công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà từ 18 tuổi trở lên đều được cấp giấy chứng minh (trừ những người bị mất trí, những người bị giam giữ, người đang bị quản chế).

2. Quân nhân tại ngũ kể cả Công an nhân dân vũ trang do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cấp.

3. Đăng ký nhân khẩu thường trú ở địa phương hoặc đơn vị nào thì xin cấp giấy chứng minh ở đơn vị đó.

4. Người xin cấp giấy chứng minh phải kê khai đầy đủ rõ ràng các chi tiết căn cước của mình vào bản khai do Ty Công an phân phối.

5. Mỗi người nạp 3 (ba) tấm ảnh cỡ 3 x 4 theo kiểu mẫu thống nhất và 5 hào tiền in giấy tờ.

6. Cán bộ công nhân viên chức và những người đã có giấy chứng minh cũ phải nạp lại cùng bản khai.

7. Giá trị thời hạn của giấy chứng minh là 10 năm.

8. Người được cấp giấy chứng minh cần giữ gìn cẩn thận không để hư hỏng,  mất mát, không cho người khác mượn, đi đâu cần mang theo giấy chứng minh và không tự ý sửa chữa.

Dưới đây là hình ảnh Thông báo số 857/N.C ngày 01/6/1965 của Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh.

                          

Thông báo số 857/N.C ngày 01/6/1965 của Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh về việc cấp giấy chứng minh cho cán bộ, công nhân, viên chức và toàn thể nhân dân trong tỉnh.

Tài liệu hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh thuộc Phông Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, trân trọng giới thiệu đến quý độc giả./.

Tin, bài, ảnh: Bùi Thị Hoài Thương - Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh.