PrintAaa

Hà Tĩnh, 190 năm hình thành và phát triển

17:20 16/12/2021

Chặng đường lịch sử vẻ vang 190 năm thành lập, xây dựng và phát triển của vùng đất Hà Tĩnh lần đầu tiên được tái hiện trong không gian triển lãm trực tuyến “Hà Tĩnh theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”.

Trên con đường thiên lí từ Bắc vào Nam qua cầu bến Thủy, từ Nam ra Bắc qua Hoành Sơn quan có một vùng đất được ví như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước. Đó là Hà Tĩnh, một vùng đất “địa linh nhân kiệt” có truyền thống văn hóa, cách mạng, cùng bề dày gần hai thế kỉ chiến đấu, xây dựng và phát triển.

190 năm đi qua (từ năm 1831- tỉnh Hà Tĩnh chính thức được thành lập đến nay), tên gọi Hà Tĩnh đã gắn liền với bao dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc. Vùng đất cằn khô sỏi đá này luôn là cội nguồn của những áng văn thơ nổi tiếng, của những bài ca cất lên từ lao khổ và bom đạn chiến tranh.
Chặng đường lịch sử vẻ vang 190 năm thành lập, xây dựng và phát triển của vùng đất Hà Tĩnh lần đầu tiên được tái hiện trong không gian triển lãm trực tuyến “Hà Tĩnh theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”.
 
Sự hình thành vùng đất Hà Tĩnh   
 

Năm 1831 vua Minh Mệnh bắt đầu chia định các tỉnh hạt từ Quảng Trị trở ra Bắc. Tỉnh Hà Tĩnh gồm 2 phủ là Hà Hoa, Đức Thọ gồm 6 huyện Thạch Hà, Kỳ Hoa, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn (nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

 
     Theo các tài liệu lịch sử và khảo cổ học, cách đây hàng ngàn năm, vùng đất Hà Tĩnh đã có người sinh sống; vùng Hồng Lĩnh ngày nay được gọi là Kinh đô Ngàn Hống - Thủ đô đầu tiên của nước Xích Qủy (tên gọi trước đây của Việt Nam) dưới thời vua Kinh Dương Vương. Thủa Vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng Hà Tĩnh thuộc Bộ Cửu Đức.
 
     Năm 1831, vua Minh Mệnh thực hiện một cuộc cải cách hành chính quy mô lớn, chia cả nước thành 30 tỉnh. Tỉnh Hà Tĩnh ra đời trên cơ sở tách hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An thành lập một tỉnh riêng. Lần đầu tiên trong lịch sử, tên Hà Tĩnh xuất hiện như một đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc triều đình trung ương. Đây là một mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử Hà Tĩnh.
 
     Khi mới thành lập, tỉnh Hà Tĩnh gồm 02 phủ (Hà Hoa và Đức Quang), 06 huyện (Hương Sơn, La Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Hoa). Là một tỉnh nhỏ nên Tổng đốc Nghệ An kiêm nhiệm cả Hà Tĩnh gọi là Tổng đốc An Tĩnh, dưới có Tuần phủ lãnh công việc Bố Chính và Án sát.
 
      Năm 1853, vua Tự Đức bỏ tỉnh Hà Tĩnh, lập đạo Hà Tĩnh và đến năm 1875 lấy lại tên gọi hành chính là tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh thành Hà Tĩnh dời về xã Trung Tiết (thành phố Hà Tĩnh ngày nay). Năm 1881, tỉnh thành được xây dựng lại kiên cố bằng gạch và đá ong. Hệ thống giao thông đường thủy và hệ thống dịch trạm cũng được nhà Nguyễn quan tâm xây dựng để đảm bảo liên lạc giữa triều đình Huế và các địa phương. Nhà Nguyễn cũng đề ra một số chính sách khuyến nông, kêu gọi nhân dân phiêu tán trở về quê sản xuất, khuyến khích công việc khai khẩn dưới nhiều hình thức.
 
Hà Tĩnh trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc
Dụ ngày 10 tháng 5 năm Khải Định thứ 9 (tức ngày 11/6/1924) về việc thành lập Trung tâm đô thị Hà Tĩnh và xác định giới hạn của trung tâm đô thị này (nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
 
  Sau khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương lần thứ 2 (tháng 7/1885), một làn sóng yêu nước đã dâng lên trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Người hưởng ứng Chiếu Cần vương đầu tiên ở Hà Tĩnh đó là Lê Ninh ở Trung Lễ, Đức Thọ. Tiếp đó là phong trào kháng chiến sôi nổi, diễn ra rộng khắp các địa phương trong tỉnh do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng - Cao Thắng lãnh đạo kéo dài 11 năm (từ năm 1885 - 1896) đã trở thành một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu và là đỉnh cao trong phong trào chống Pháp cuối thể kỉ XIX của nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
 
 Những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục hưởng ứng các phong trào yêu nước chống Pháp như phong trào Duy Tân- Đông Du, phong trào chống thuế Trung Kỳ…
 
 Từ khi có Đảng lãnh đạo (1930), các phong trào đấu tranh cách mạng của nước ta có bước tiến mới; cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tích cực tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng giành quyền sống, quyền tự do với phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), phong trào đấu tranh dân chủ (1936 - 1939) và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1939 - 1945), góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập cho dân tộc. Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh của cả nước giành được chính quyền về tay nhân dân sớm nhất nước.
 
Hà Tĩnh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ
Bản đồ quy hoạch thị xã Hà Tĩnh (nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)
 
     Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh là một trong những địa phương thực dân Pháp không hề đứng chân nổi 1 giờ. Nhân dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã tích cực tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp một cách quyết liệt nhất. Là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành thanh toán nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng Nhì. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, hơn 10 năm hòa bình (1955 - 1965), quân và dân Hà Tĩnh đã đoàn kết hoàn thành thắng lợi nhiều nhiệm vụ cách mạng nặng nề: phát động giảm tô và cải cách ruộng đất, đem ruộng đất về tay nông dân; chống âm mưu và hành động phá hoại của địch; khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa.
      Về địa giới hành chính, từ năm 1948- 1957, thị xã Hà Tĩnh không còn trực thuộc tỉnh, mà chỉ còn là đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Thạch Hà. Ngày 21/11/1957, thị xã Hà Tĩnh được tái thiết trên cơ sở địa giới hiện tại. Từ năm 1962- 1964, thị xã Hà Tĩnh tiếp tục được mở rộng với sự xuất hiện của nhiều khu phố mới.
      Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Tĩnh "Vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến". Quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao tinh thần "Xe chưa qua, nhà không tiếc", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng". Toàn tỉnh đã nở rộ phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", sản xuất giỏi, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi. Nhiều địa danh đã vào lịch sử với những chiến công vang dội như là huyền thoại. Tiêu biểu như Ngã ba Ðồng Lộc, ghi danh Tiểu đội thanh niên xung phong mười nữ anh hùng liệt sĩ với khẩu hiệu "sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm".
 Hà Tĩnh tự hào phát triển
Thông báo số 01/TB ngày 02/01/1976 của Thường vụ Hội đồng Chính phủ về tỉnh lỵ của các tỉnh mới hợp nhất, trong đó tỉnh lị của tỉnh Nghệ Tĩnh đặt tại Vinh (nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)
 
     Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, để tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước về phương diện quản lý hành chính, Đảng và Nhà nước chủ trương hợp nhất các tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn trong đó có việc hợp nhất hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh và thành phố Vinh được chọn để xây dựng trở thành trung tâm của tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ đây, lịch sử Hà Tĩnh chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh.
 
     Cùng với việc đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất, mở rộng quy mô hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Song song với việc mở rộng quy mô hợp tác xã ở Hà Tĩnh trong thời kỳ 1976 - 1980, chính quyền tỉnh đã có chủ trương chuyển dân lên vùng đồi núi để mở rộng diện tích canh tác, quy hoạch lại khu dân cư.
 
     Sau hơn 15 năm nhập tỉnh, ngày 12 tháng 8 năm 1991, Nghị quyết Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa VIII quyết định tách trở lại tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cho đến nay tỉnh Hà Tĩnh gồm 1 thành phố Hà Tĩnh, 2 thị xã Hồng Lĩnh, Kì Anh và 10 huyện.
 
     Qua 30 năm tái lập, Đảng bộ Hà Tĩnh đã xác định rõ các định hướng lớn “xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những tỉnh phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn bộ đời sống Nhân dân; đến năm 2025, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”.
 
     Triển lãm trực tuyến “Hà Tĩnh theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” bắt đầu diễn ra từ ngày 20/12/2021 trên website, fanpage của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I,  Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (http://archives.org.vnhttps://facebook.com/luutruquocgia1); trên Cổng TTĐT, fanpage của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Hà Tĩnh (https://luutrutinh.hatinh.gov.vnhttps://www.facebook.com/ttltlsht) và website chính thức của triển lãm (https://trienlam.hatinh.gov.vn)
 
     Hy vọng triển lãm sẽ giúp công chúng nói chung và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nói riêng hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành vùng đất địa linh - nhân kiệt này.
 
Tin, bài: Nguyễn Hằng - Hải Yến, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I