PrintAaa

Hội nghị đánh giá 03 năm thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

19:37 15/11/2021
Chiều ngày 15/11, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị đánh giá 03 năm thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo,bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030.
Thứ trưởng Trương Hải Long chủ trì Hội nghị.
 

Thứ trưởng Trương Hải Long phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg; đồng thời là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm tổ chức, sắp xếp lại bộ máy bên trong; lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và bảo đảm tự chủ về chi thường xuyên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc bộ, ngành; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định số 705/QĐ-TTg.

Thứ trưởng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến thẳng thắn, khách quan, nêu bật kết quả đạt được và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm triển khai thực hiện tốt hơn Quyết định số 705/QĐ-TTg trong thời gian tới.
 
Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Lại Đức Vượng báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Lại Đức Vượng cho biết, trong 03 năm qua các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm đồng bộ, khoa học và phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương cơ bản đã rà soát, xây dựng Đề án hoặc nội dung kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan chưa xây dựng Đề án hoặc nội dung kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp.

Điển hình là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tiến hành sắp xếp theo hướng giảm cấp trung gian, cấp phòng, ban, không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong Vụ, giảm đầu mối đơn vị chức năng, hành chính, đồng thời tăng cường nhân lực các chuyên ngành khoa học lý luận chính trị. Số phòng, ban tại trung tâm Học viện giảm từ 134 đơn vị xuống còn 6 đơn vị; số lượng khoa, ban, phòng tại các Học viện trực thuộc giảm từ 123 đơn vị xuống còn 112 đơn vị.

Cùng với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ đã tiến hành sáp nhập 03 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng vào Học viện Hành chính Quốc gia (Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Trường Nghiệp vụ công tác tôn giáo và Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thi đua, khen thưởng). Hiện nay đang xây dựng Đề án sáp nhập Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành Chính quốc gia nhằm bảo đảm tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu theo mục tiêu yêu cầu của Quyết định số 705/QĐ-TTg. Các khoa, phòng Học viện Hành chính Quốc gia cũng đã được tinh gọn, giảm đầu mối để bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn.

Việc tổ chức sắp xếp lại đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo, mối quan hệ phối hợp công tác của các đơn vị ngày càng hiệu quả.

Đối với 63 trường chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý: từ 04 khoa 03 phòng giảm còn 03 khoa 02 phòng (riêng Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh do đặc thù nên hiện nay vẫn có 03 khoa, 03 phòng và trung tâm). Các tỉnh, thành phố đã sắp xếp và thống nhất chỉ có 01 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đó là trường chính trị.

Việc tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của trường chính trị đã tạo điều kiện các khoa, phòng đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tập trung nguồn lực. Bộ máy tổ chức của nhà trường được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, giảm được đầu mối bên trong, nhất là giảm số lượng lãnh đạo, quản lý cấp khoa, phòng.

Đối với Trung tâm chính trị cấp huyện, các địa phương đã tiến hành sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện vào Ban Tuyên giáo huyện ủy, quận ủy; đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy, quận ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện. Việc thực hiện chủ trương Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện đã tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành công việc; các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy được triển khai kịp thời; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của ban thường vụ cấp ủy đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn.

Về kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, hiện nay các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu thực hiện cơ cấu lại đội ngũ viên chức, hạn chế việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu, tăng cường sử dụng giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Từng bước sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ viên chức, người lao động dôi dư trên cơ sở tự nguyện và bảo đảm lợi ích cho người lao động. 

Về đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã bước đầu hình thành lộ trình cơ chế tự chủ về kinh phí, tự chịu trách nhiệm về thực thi nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế theo yêu cầu tại Quyết định số 705/QĐ-TTg.

Chưa có trường chính trị cấp tỉnh thực hiện tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên, chỉ có khoảng 28% trường chính trị cấp tỉnh đã thực hiện tự chủ tự đảm bảo một phần chi thường xuyên như: Gia Lai, Cà Mau, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Lai Châu, Hà Nam, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ninh, Trà Vinh, Thanh Hóa. 98% trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đang hoạt động theo cơ chế 100% ngân sách nhà nước cấp, tỷ lệ tự chủ đảm bảo một phần chi thường xuyên rất nhỏ, chỉ khoảng 2%.

Về một số định hướng trong thời gian tới, ông Lại Đức Vượng cho biết, các bộ, ngành, địa phương xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu để lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện bám sát quan điểm, yêu cầu, bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của Đề án. 

Đánh giá thực trạng về chức năng, nhiệm vụ và đề xuất đổi mới cơ chế quản lý, phân công, phân cấp theo hướng tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động bồi dưỡng cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá về thực trạng tổ chức bộ máy bên trong của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức lại những đơn vị còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động không hiệu quả.
 
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội nghị

Rà soát, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, giảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Lập phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động dôi dư trên cơ sở tự nguyện và bảo đảm lợi ích tối đa cho người lao động…

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, Quyết định số 705/QĐ-TTg được ban hành là một chủ trương rất đúng đắn và phù hợp xu thế phát triển hiện nay nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ, tránh trùng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các đại biểu nhấn mạnh, cần phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức hàng năm để cập nhật các thông tin, các văn bản, chính sách mới, các kỹ năng xử lý công việc,… đặc biệt, đối với ngành Tài chính, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Xây dựng, ngành Tài nguyên và Môi trường….

Các đại biểu cho rằng, “con người là then chốt của mọi nhiệm vụ” nhưng kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng rất hạn chế, do đó đề nghị cần có cơ chế tài chính phù hợp.

Tại Quyết định số 705/QĐ-TTg yêu cầu các cơ sở đào tạo tăng tính tự chủ, tuy nhiên, đối với các trường đào tạo, bồi dưỡng thuộc các bộ, ngành Trung ương vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, vừa phải thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và đẩy mạnh thực hiện tự chủ, do đó cần sự hài hòa ngân sách dành cho các nhiệm vụ; việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ có thể làm các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng xem nhẹ nhiệm vụ chính trị.
 
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị

Đại diện các bộ, ngành cũng đề nghị Bộ Nội vụ đôn đốc, đẩy mạnh triển khai đề án xác định vị trí việc làm đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng tiêu chuẩn vị trí việc làm; có văn bản đề nghị các bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức hội thảo chuyên sâu về chế độ chính sách, vị trí việc làm đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; xác định rõ vị trí của giảng viên; cần có cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng lộ trình phát triển cho giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng mới nâng cao được chất lượng từ nghiên cứu khoa học, thông tin đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng…
 
Quang cảnh Hội nghị


Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trương Hải Long ghi nhận các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị rất tâm huyết, sâu sắc, có trách nhiệm và nêu bật thực tiễn khó khăn trong quá trình thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg tại bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng đề nghị Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục định hướng và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 705/QĐ-TTg trong thời gian tới./.

Nguồn: moha.gov.vn