PrintAaa

Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án 567

13:41 19/01/2021
Sáng ngày 19/01, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) và Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567).
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ và đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Tham dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo cấp vụ thuộc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu địa phương có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo các huyện, xã có đội viên công tác, đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tại các địa phương là địa bàn triển khai Đề án. 
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đã xác định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước. Thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người; đồng thời, Nghị quyết cũng xác định: chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 phê duyệt Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 và Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 phê duyệt Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020.

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương cấp tỉnh tổ chức có hiệu quả Chiến lược và hai Đề án nêu trên.

Để Hội nghị đạt kết quả cao nhất, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thống nhất các nội dung sau:

Một là, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên trong 10 năm qua; chỉ ra những hạn chế, những nguyên nhân của những hạn chế để kiến nghị và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và những chính sách của Nhà nước đối với thanh niên đã được quy định trong Luật Thanh niên năm 2020.

Hai là, đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020; làm rõ kết quả, chất lượng công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, quy hoạch, phát triển Đảng và bố trí, sử dụng đội viên Đề án trong và sau khi kết thúc Đề án của các địa phương. Tập trung đánh giá thực chất những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án; đồng thời, đề xuất các giải pháp để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng đội ngũ trí thức trẻ này cho thời gian tới.

Ba là, từ kết quả tổ chức thực hiện Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai doạn 2014 - 2020 của các địa phương; căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, những mặt mạnh và tồn tại trong quá trình thực hiện Đề án, kiến nghị, đề xuất tiếp tục thực hiện Đề án Bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2021 - 2025.
 
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn báo cáo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn báo cáo tóm tắt nội dung Chiến lược phát triển thanh niên, Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án 567.

Về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, kết quả tổng hợp từ báo cáo thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, về cơ bản các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra. 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên. Tổng kết 10 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 1.870 văn bản triển khai thực hiện Chiến lược. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện 06 mục tiêu, 08 nhóm chỉ tiêu phát triển thanh niên tại Quyết định số 2474/QĐ-TTg và 29 chỉ tiêu được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1042/QĐ-TTg. 

Các bộ, ngành, địa phương bố trí, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo quy định; nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ, cơ quan Trung ương; giữa các sở, ngành thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội.

Thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, với bản thân; nỗ lực phấn đấu học tập và lao động; nhiều thanh niên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh trẻ, giỏi; tỉ lệ trí thức trẻ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ ngày càng gia tăng; sự tham gia của thanh niên vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ngày càng được tăng cường.

Đối với Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567), Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, từ năm 2015 đến năm 2020, thông qua việc thực hiện Đề án đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã, 42 tỉnh trong phạm vi Đề án, với tổng kinh phí triển khai thực hiện là 29.781.224.000 đồng, đạt 87,8% kinh phí được cấp và đạt 53,7% kinh phí được phê duyệt.

Kết quả triển khai các lớp bồi dưỡng cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức trẻ đã chủ động học tập, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, lúng túng, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương; lĩnh hội kiến thức, phát huy tính sáng tạo trong học tập và hình thành kỹ năng phát triển năng lực vận dụng các kiến thức vào trong thực tiễn. 

Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) nhằm tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, bãi ngang ven biển, hải đảo để bố trí thực hiện công việc của các chức danh công chức cấp xã theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã, nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở, tạo cơ hội, điều kiện để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành; đồng thời, tạo nguồn cán bộ, công chức cho hệ thống chính trị ở các địa phương. Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND 34 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức triển khai thực hiện theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tính đến ngày 31/12/2014, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác tuyển chọn Đội viên Đề án của 34 tỉnh với tổng số 500 Đội viên và thực hiện Đề án tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và các kỹ năng cần thiết cho Đội viên trước khi bố trí về xã công tác trong 3 tháng. Ngay sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng, từ tháng 3 đến tháng 7/2015, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với UBND 34 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức bố trí 500 Đội viên về xã công tác…

Tính đến nay, có 411 Đội viên Đề án có nhu cầu được bố trí sử dụng. Trong đó, có 121 Đội viên Đề án được địa phương đề xuất dự kiến vị trí bố trí, sử dụng; còn 290 Đội viên Đề án các địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng...

 
Quang cảnh Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cơ bản đồng tình với dự thảo Báo cáo do Bộ Nội vụ chuẩn bị. Các đại biểu cũng nêu bật những kết quả đạt được khi triển khai Chiến lược phát triển thanh niên và Đề án 500 trí thức trẻ, Đề án 567; đồng thời, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các Đề án và mở rộng đến các xã, phường thị trấn, đặc biệt là ở các huyện miền núi, hải đảo để bồi dưỡng cho cán bộ, công chức có tuổi đời dưới 30. Đề nghị tăng cường nguồn lực cán bộ cho sự nghiệp phát triển thanh niên ở địa phương; quan tâm bố trí kinh phí để triển khai kế hoạch thực hiện các Đề án, đảm bảo có môi trường cho thế hệ trẻ phát triển tốt nhất.

Đối với địa phương đang dôi dư cán bộ, công chức mà chưa có chỉ tiêu bố trí các Đội viên Dự án 500 trí thức trẻ thì gia hạn hợp đồng; nếu thiếu thì ưu tiên bố trí sử dụng đội viên Đề án. 

Đề nghị Bộ Nội vụ sớm tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định tuyển dụng đối với Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ làm công chức cấp huyện trở lên; có cơ chế riêng tiếp nhận Đội viên Đề án làm công chức cấp xã vì Đội viên đã được tuyển chọn kỹ lưỡng và đã được bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng trước khi về các xã công tác…

Để ghi nhận những thành tích trong việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên, Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án 567, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã công bố Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 06 tập thể và 04 cá nhân đã có nhiều thành tích trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Công bố Quyết định số 1138/QĐ-BNV ngày 29/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho 20 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; cho 23 tập thể và 78 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020; cho 07 tập thể và 06 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 – 2020; cho  26 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng Dự án Luật thanh niên (sửa đổi).

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chinh phủ và các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo, tổ chức Hội nghị này. Biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tổng kết Chiển lược phát triển thanh niên, tổng kết Đề án 567 và Đề án 500 trí thức trẻ tại đơn vị một cách khẩn trương, nghiêm túc, bài bản từ cơ sở, bảo đảm thực chất, đúng tiến độ; nội dung các báo cáo và tài liệu của Hội nghị được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và chất lượng; các ý kiến tham luận, phát biểu sâu sắc, phong phú, sinh động.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai thi hành Luật Thanh niên 2020; do đó, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau: 

Một là, về Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam: Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị này, đánh giá rõ nét hơn những kết quả, thành công đã đạt được, đồng thời, chỉ ra những hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục. Xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó, tập trung nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các văn bản quy định chi tiết Luật Thanh niên; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh niên, đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả việc thu hút trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, lưu ý đổi mới cách làm, tránh bề nổi, hình thức, chú trọng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, ý thức kỷ luật, tư duy, năng lực và sức sáng tạo để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.

Hai là, về Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã: cần đánh giá toàn diện hơn kết quả triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2020, để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Bộ Nội vụ rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng, tránh trùng lặp với các chương trình, đề án của các bộ, ngành đang triển khai hiện nay, trong đó, chú ý đến đối tượng cán bộ, công chức trẻ cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Xác định rõ về nội dung, chương trình, nguồn kinh phí; tập trung ưu tiên việc bồi dưỡng công nghệ thông tin, tiếng nước ngoài, kỹ năng sống, hoạt động hướng nghiệp, bảo đảm thiết thực, phát huy bản sắc dân tộc, phù hợp với đặc thù địa phương.

Ba là, về Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020: Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ Đội viên sau khi kết thúc thời hạn công tác. Đối với những địa phương đã có phương án bố trí, sử dụng Đội viên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện, bảo đảm việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng Đội viên, Bộ Nội vụ tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan đề xuất Chính phủ phương án cụ thể.

Dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thế hệ thanh niên, “cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kể xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng", vừa “chuyên"... "; phát huy những thành tích to lớn đã đạt được trong những năm qua, với quyết tâm và nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tin chắc rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, cùng quan tâm định hướng, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy và phát triển thế hệ thanh niên về đạo đức cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có những chính sách căn cơ, lâu dài để phát triển toàn diện thanh niên - nguồn nhân lực quan trọng, yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những công dân toàn cầu trong thời đại mới, góp phần xây dựng nền hành chính, nền công vụ thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Theo http://www.moha.gov.vn