PrintAaa

Hội thảo đánh giá kết quả triển khai xác định chỉ số cải cách hành chính và góp ý hoàn thiện chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ

13:42 03/11/2014

Đồng chí Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (trái) và Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng (phải) chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ; Đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ và công chức chuyên trách cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ; Đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Chính phủ rất kỳ vọng vào tác dụng tích cực mà Chỉ số cải cách hành chính đem lại trong việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC tại các bộ, ngành, địa phương. Chỉ số CCHC thực sự sẽ là công cụ hữu ích trong quản lý Chương trình tổng thể cải cách hành chính, giúp đánh giá một cách chính xác, khách quan công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện CCHC cũng như phản ánh kết quả đạt được trong CCHC hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2013 của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 05/9/2014 đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia cải cách hành chính tổ chức rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, đánh giá những mặt được, mặt chưa được trong triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, hoàn thiện Chỉ số CCHC để nó thực sự là công cụ đánh giá CCHC tại các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một cách thực chất, khách quan và hiệu quả hơn.

Để Hội thảo đạt được kết quả, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo cần: (1) Nghiêm túc đánh giá kết quả đạt được sau 2 năm triển khai thực hiện, làm rõ mặt được, mặt chưa được, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai xác định Chỉ số CCHC tại bộ, ngành mình, phương hướng khắc phục trong thời gian tới. (2) Tập trung rà soát nội dung từng tiêu chí, tiêu chí thành phần; mức điểm; cách xác định điểm cho từng tiêu chí, tiêu chí thành phần; phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện để đề xuất với Bộ Nội vụ các nội dung cụ thể hoàn thiện Chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ.

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng trình bày Báo cáo sơ kết 02 năm triển khai xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Báo cáo).

Theo Báo cáo, qua hai năm xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thể hiện được ý nghĩa, vai trò cũng như những yêu cầu bước đầu đạt được. Từ mặt lý luận đến thực tiễn đã chỉ ra rằng Chỉ số CCHC là công cụ quản lý mới trong triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, khắc phục được tính chủ quan, định tính, một chiều trong việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính giai đoạn 10 năm trước; bảo đảm việc theo dõi, đánh giá một cách khoa học, hệ thống định lượng và dựa trên kết quả, huy động sự tham gia của các tổ chức trong bộ máy nhà nước, tăng cường sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với quá trình triển khai CCHC của các bộ, các tỉnh một cách thực chất, khách quan hơn. Việc áp dụng Chỉ số CCHC thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020. Quá trình triển khai thực hiện xác định Chỉ số CCHC (PAR INDEX 2012 và PAR INDEX 2013) cho thấy đây là một cơ sở quan trọng khẳng định hơn nữa mục đích, ý nghĩa của Chỉ số CCHC ở những vấn đề sau: (1) Đánh giá một cách toàn diện, thực chất và khách quan việc triển khai thực hiện Chương trình CCHC ở cấp bộ và cấp tỉnh. (2) Thông qua đánh giá xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC, qua đó giúp cho các bộ, ngành và cấp chính quyền địa phương có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung và các giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả triển khai thực hiện Chương tình CCHC của các bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (3) Đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ CCHC bằng định lượng; trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện Chương trình tổng thể CCHC hàng năm giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhau.

Báo cáo cũng chỉ ra những mặt đạt được trong xác định Chỉ số cải cách hành chính, như: Việc triển khai kế hoạch xác định PAR INDEX qua các năm về cơ bản theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian, trong quá trình triển khai Bộ Nội vụ đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, các tỉnh đã đúc rút được kinh nghiệm triển khai của năm trước; Việc tổ chức công tác đánh giá, chấm điểm được các bộ, các tỉnh tiến hành nghiêm túc, khách quan, tương đối chính xác, việc chấm các tiêu chí dựa trên các căn cứ, tài liệu kiểm chứng bảo đảm độ tin cậy cao. Công tác thẩm định được tổ chức khẩn trương, nghiêm túc, phát huy được sự tham gia của các bộ, ngành trong việc đề xuất ý kiến, tham mưu để Bộ trưởng Bộ Nội vụ có cơ sở quyết định điểm đánh giá đối với các tiêu chính, tiêu chính thành phần của Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh một cách khách quan, công bằng; Công tác điều tra xã hội học để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau về kết quả cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh phục vụ cho việc tính toán PAR INDEX được tổ chức chặt chẽ, hệ thống và trong thời gian triển khai tương đối ngắn đã thu được số lượng phiếu cao so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và những mặt đạt được trong xác định Chỉ số cải cách hành chính 2 năm qua cũng còn có những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Cụ thể: Nhiều cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực cải cách hành chính còn thiếu nên khó khăn cho việc đánh giá các tiêu chí, tiêu chí thành phần; Việc phối hợp giữa giữa cơ quan tham mưu cải cách hành chính và các cơ quan liên quan trong bộ, tỉnh chưa chặt chẽ, thường xuyên nên ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, thu thập số liệu để tự chấm điểm cho các tiêu chí, tiêu chí thành phần của PAR INDEX; Nguồn lực (con người, tài chính) triển khai xác định PAR INDEX còn thiếu. Nhất là công tác giám sát điều tra xã hội học, các nhóm đối tượng phải tiến hành với quy mô mẫu lớn, thời gian triển khai ngắn, trong khi sự phối hợp giữa Bộ Nội vụ với một số cơ quan còn lúng túng, ảnh hưởng đến việc triển khai và tiến độ thời gian điều tra xã hội học; Một số bộ, tỉnh chưa quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên, quyết liệt nên kết quả triển khai chậm so với quy định, báo cáo tự đánh giá, chấm điểm sơ sài, không theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và thiếu các tài liệu kiểm chứng; Một số tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC chưa cụ thể, khó lượng hóa trong đánh giá.

Tại phần thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề như: tổng điểm chung; điểm đánh giá thông qua điều tra xã hội học; đối tượng điều tra xã hội học; một số tiêu chí và tiêu chí thành phần; thực hiện kế hoạch; đánh giá tài chính công thông qua phương pháp điều tra xã hội học,…

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các đại biểu nhằm bổ sung, hoàn thiện Chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ.

Đại biểu tham dự Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

 

Tin, ảnh: Anh Cao