PrintAaa

Hội thảo Tham vấn hoàn thiện Báo cáo khảo sát đánh giá thực trạng xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức tại các Bộ, ngành, địa phương

11:12 20/05/2015

Sáng ngày 16/5/2015, tại Hải Phòng, Bộ Nội vụ phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Tham vấn hoàn thiện Báo cáo khảo sát đánh giá thực trạng xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức tại các Bộ, ngành, địa phương (Hội thảo).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng dự và chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Dự khai mạc Hội thảo có ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hải Phòng.
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Ngọc Hân – cán bộ Chương trình, đại diện cho Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; ông Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Giám đốc Ban quản lý Dự án của Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Thanh Bình – Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin; ông Đỗ Đức Cường, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ, Trưởng nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát; đại diện Sở Nội vụ các tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh, thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; các chuyên gia tham gia thực hiện cuộc khảo sát; các chuyên gia phản biện Báo cáo khảo sát của Trung tâm Công nghệ thông tin, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, Quyết định 1605/QĐ-CP ngày 27/8/2010 của Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 xác định cơ sở dữ liệu (CSDL) về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là cơ sở dữ liệu quốc gia với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đội ngũ CBCCVC, đồng thời góp phần củng cố và xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử để phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay ở các bộ, ngành, địa phương đang có những cách thức tiếp cận khác nhau và chưa có sự thống nhất trong việc xây dựng và quản lý CSDL về CBCCVC. Dự án hỗ trợ cải cách hành chính cho 4 tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Cần Thơ của Bộ Nội vụ do UNDP tài trợ có nội dung xây dựng phần mềm quản lý cán bộ, công chức, Dự án tại Đà Nẵng đã xây dựng xong phần mềm và đưa vào sử dụng. Các Dự án tại Bắc Giang, Cần Thơ và Hà Tĩnh đang trong quá trình chỉnh sửa, nâng cấp và được chuyển giao từ phía Đà Nẵng. Chính vì vậy, sáng kiến của Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ  về việc thực hiện khảo sát để xây dựng chuẩn về thông tin và chuẩn trao đổi thông tin là một bước rất quan trọng, trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để tiếp tục trao đổi chi tiết hơn, tiến tới việc ban hành bộ chuẩn thông tin và chuẩn trao đổi thông tin CSDL về CBCCVC.
 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình
phát biểu chào mừng Hội thảo.Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, thay mặt Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh, việc xây dựng và hoàn thiện quản lý CSDL CBCCVC có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng quản lý và hoạch định chính sách trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố Hải Phòng đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ Nội vụ và UNDP đã tổ chức thực hiện việc khảo sát và kết quả báo cáo khảo sát của nhóm chuyên gia. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình bày tỏ niềm vui mừng khi Bộ Nội vụ phối hợp cùng UNDP chọn Hải Phòng để tổ chức Hội thảo vào đúng vào dịp Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và Ngày Giải phóng Đồ Sơn - ngày 15/5/1955, thời điểm người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Đồ Sơn, chính thức chấm dứt sự có mặt của quân đội thực dân Pháp tại miền Bắc nước ta.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hân - cán bộ Chương trình, Chương trình phát triển
Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, phát biểu chào mừng Hội thảo
 

Phát biểu Hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, đại diện UNDP tại Việt Nam ghi nhận và cảm ơn  sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ Nội vụ đối với sáng kiến của Trung tâm Thông tin về việc tổ chức Hội thảo này, vốn ban đầu không có trong kế hoạch dự án hỗ trợ của UNDP. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án tại 3 địa phương về xây dựng CSDL về CBCCVC, UNDP nhận thấy nhu cầu cần phải chuẩn hóa về dữ liệu thông tin không chỉ đối với khâu quản lý ở địa phương ngay từ giai đoạn hoàn thiện các phần mềm của mình, mà còn giúp cơ quan Trung ương quản lý dữ liệu, kết xuất dữ liệu phục vụ công tác thống kê, báo cáo được thuận lợi và dễ dàng hơn. Với sáng kiến của Trung tâm Thông tin và sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ Nội vụ, UNDP hy vọng sản phẩm của dự án khi hoàn thiện sẽ áp dụng trên diện rộng và sẽ là niềm tự hào của UNDP trong việc hỗ trợ cho lĩnh vực cải cách hành chính và quản lý nguồn nhân lực công ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ,
phát biểu giới thiệu về nội dung và ý nghĩa của Hội thảo.
 

Thay mặt Lãnh đạo Trung tâm Thông tin - đơn vị tổ chức Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình, Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin đã điểm lại những mốc chính của quá trình xây dựng hệ thống thông tin, phần mềm/CSDL về CBCCVC ở Bộ Nội vụ. Theo đó, quá trình này được bắt đầu từ năm 1997 đến năm 2003, với sự hỗ trợ của dự án SIDA (Thụy Điển), phần mềm PMIS đã được triển khai tại tất cả các bộ, ngành, địa phương. Khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thi hành, Trung tâm Thông tin đã chủ động nghiên cứu, nâng cấp và triển khai phần mềm PMIS nhằm hỗ trợ các bộ ngành, địa phương đã triển khai phần mềm PMIS trước đây, tận dụng thế mạnh của hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của các hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu và nguồn nhân lực của các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương để triển khai theo hướng xây dựng CSDL tập trung. Tuy nhiên, trong điều kiện các bộ, ngành, địa phương được phân cấp về kinh phí, yêu cầu quản lý khác nhau, do đó nhiều bộ, ngành, địa phương đã và đang chủ động xây dựng phần mềm quản lý CBCCVC của đơn vị mình. 

Trước yêu cầu về cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, một số địa phương có cách triển khai phần mềm có đặc thù riêng, như: gắn phần mềm quản lý CBCCVC với phần mềm khác, đặc biệt tại Bộ phận Một cửa, nhằm mục đích đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Từ những hiện trạng đó, Trung tâm Thông tin nhận thấy cần phải đổi mới cả về cách tiếp cận và cách triển khai trong giai đoạn tới. Qua dự án do UNDP hỗ trợ tại 4 địa phương cho thấy, trong tương lai không thể triển khai theo hướng sử dụng phần mềm dùng chung, mà cần thiết phải ban hành một chuẩn thông tin, chuẩn trao đổi thông tin thống nhất trên toàn quốc. Trước hết, chuẩn này sẽ giúp cho 4 địa phương được UNDP hỗ trợ thử nghiệm xây dựng phần mềm quản lý CBCCVC, để từ đó rút kinh nghiệm, hướng tới ban hành văn bản quy phạm pháp luật áp dụng trên toàn quốc. Từ hướng đi này, Trung tâm Thông tin đã có ý kiến đề xuất, được Lãnh đạo Bộ ủng hộ và UNDP hỗ trợ kinh phí để triển khai. Sau khi chuẩn thông tin, chuẩn trao đổi thông tin thống nhất được thí điểm ở 4 địa phương thành công, Trung tâm Thông tin sẽ áp dụng chính tiêu chuẩn này vào cập nhật cho phần mềm PMIS của Bộ trước đây, chạy thử nghiệm và triển khai nâng cấp trong thời gian tới. Đối với những địa phương chưa có điều kiện xây dựng các phần mềm riêng, Trung tâm Thông tin – Bộ Nội vụ tiếp tục hỗ trợ và triển khai phần mềm theo tiêu chuẩn trao đổi thông tin khi được ban hành.

Ông Đỗ Đức Cường – Trưởng Nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát,
nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ, đại diện cho Nhóm Khảo sát
trình bày nội dung Báo cáo khảo sát.
 

Thay mặt Nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát, ông Đỗ Đức Cường, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ - Trưởng nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát đã trình bày Báo cáo khảo sát thực trạng công tác xây dựng và quản lý CSDL về CBCCVC ở một số bộ, ngành và địa phương. Theo đó, công tác khảo sát được thực hiện ở 4 bộ, ngành (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Viện kiểm soát nhân dân tối cao) và 4 địa phương (Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Phước, Lào Cai) nhằm đánh giá thực trạng công tác xây dựng và quản lý CSDL, phần mềm và nhu cầu trao đổi thông tin quản lý CBCCVC, từ đó đề xuất phương án xây dựng “Bộ Chuẩn thông tin và Chuẩn trao đổi thông tin CSDL CBCCVC”. Với phương pháp khảo sát bằng phiếu được thiết kế trước và tọa đàm, trao đổi với các đối tượng khảo sát, Nhóm khảo sát đã phác họa được những nét cơ bản của bức tranh CSDL CBCCVC. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát nêu ý kiến trao đổi, đề xuất về các công tác: Xây dựng chuẩn thông tin và chuẩn trao đổi thông tin; những nguyên tắc cho chuẩn thông tin và chuẩn trao đổi thông tin; xây dựng bảng mã chuẩn quốc gia; phương hướng tổ chức các hội thảo chuyên đề; tổ chức tập huấn; thử nghiệm thực hiện sử dụng chuẩn thông tin; mở rộng diện khai thác sử dụng sau thời gian thử nghiệm; xây dựng phần mềm lõi.

PGS-TS Vũ Duy Lợi – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin,
Văn phòng Trung ương Đảng trình bày báo cáo phản biện.
 

Tại Hội thảo, đại biểu đã nghe 3 báo cáo phản biện của các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin gồm: PGS-TS Vũ Duy Lợi – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Văn phòng Trung ương Đảng, ông Nguyễn Thanh Thảo, Phó Trưởng phòng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng vụ Công chức - Viên chức, Thư ký Bộ trưởng; cùng ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội thảo nhằm làm rõ hơn các nội dung và kết quả được nêu trong Báo cáo khảo sát. Các ý kiến tập trung trao đổi về cách thức xác định bộ khung chuẩn thông tin, bao gồm việc xác định số lượng các trường thông tin cơ bản, xác định các trường thông tin trao đổi, nguyên tắc trao đổi thông tin, phần mềm lõi, phương hướng tổ chức các hội thảo chuyên đề tiếp theo nhằm mục đích sớm thống nhất được bộ chuẩn thông tin và chuẩn trao đổi thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong công tác quản lý CSDL CBCCVC của Bộ Nội vụ.

Thay mặt Nhóm khảo sát, Trưởng nhóm Đỗ Đức Cường đã tiếp thu và giải trình một số ý kiến của các đại biểu dự Hội thảo, trên cơ sở đó, Nhóm khảo sát sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung Báo cáo khảo sát, báo cáo lãnh đạo Bộ.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị Nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát, Trung tâm Thông tin và Ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ để tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, ý kiến tham luận tại Hội thảo, hoàn chỉnh báo cáo theo đúng mục tiêu đăng ký ban đầu của dự án. Đối với dự án triển khai ở 4 địa phương là Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Giang và Hà Tĩnh do UNDP hỗ trợ, cần làm tốt công tác chuyển giao phần mềm đang triển khai ở Đà Nẵng cho 3 địa phương còn lại; đồng thời cần xác định rõ những thông tin nào để trao đổi giữa cơ quan trung ương và địa phương, những thông tin nào phục vụ riêng cho mục tiêu của quản lý ở địa phương; tính cập nhật của thông tin; trên cơ sở kết quả thí điểm để sớm ban hành một chuẩn chung thống nhất trong công tác xây dựng CSDL CBCCVC trên phạm vi toàn quốc.
 

Toàn cảnh Hội thảo.


Tin, ảnh: Nam Phong

Theo moha.gov.vn