PrintAaa

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ ỨNG DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN MỨC ĐỘ 3,4 VÀ DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

10:36 24/05/2019

             Sáng ngày 23/5/2019, Sở Thông tin & Truyền thông,  Sở Nội, UBND huyện Thạch Hà phối hợp tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và Dịch vụ Bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính.

            Về  tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Trung tâm Phục vụ    Hành chính công cấp tỉnh, Bưu điện tỉnh, Khối Doanh nghiệp tỉnh và đại diện lãnh đạo huyện Thạch Hà; đại diện một số Trung tâm hành chính công cấp huyện, cán bộ bưu điện các huyện, bưu điện văn hóa xã; đoàn viên thanh niên; người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

                         Đại diện Lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Thông tin - Truyền thông và UBND huyện Thạch Hà đồng chủ trì Hội thảo.

            Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham mưu của Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan nên công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã có những chuyến biến khá tích cực, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Ông Trần Đình Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu khai mạc Hội thảo

          Cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giai đoạn    2016-2020, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ, phạm vi cung cấp DVCTT của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đồng thời triển khai thực hiện dịch vụ bưu chính công ích theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn cảnh Hội thảo.

             Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến bắt đầu được triển khai từ năm 2010 với 6 dịch vụ công mức độ 3, đến nay đã tăng lên 1993 dịch vụ công mức độ 3 cấp tỉnh, cấp huyện, 35 dịch vụ công mức độ 3 mỗi đơn vị cấp xã, 23 dịch vụ công mức độ 4. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định công bố danh mục TTHC triển khai tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Trong đó, quy định 536 TTHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, 86 TTHC cấp huyện và 25 TTHC cấp xã.

            Trong những năm qua, việc cải cách TTHC được triển khai mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và thu được nhiều kết quả tích cực. Tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ TTHC, việc tiếp nhận và trả hồ sơ được triển khai nhanh gọn, dễ dàng, chính xác, tiết kiệm hơn nhờ việc ứng dụng hiệu quả CNTT trong giải quyết TTHC.

          Mặc dù tỉnh đã nỗ lực trong chỉ đạo triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích nhưng kết quả đạt được của 02 dịch vụ này còn hạn chế,   thể hiện rõ nét nhất tại Kết quả công bố chỉ số PAR INDEX của tỉnh Hà Tĩnh qua 02 năm 2017, 2018 được Hội đồng thẩm định xác định chỉ số CCHC của Chính phủ chấm điểm, cụ thể:

          * Chỉ số PAR INDEX tỉnh năm 2017:

          - Tiêu chí dịch vụ công trực tuyến tỉnh chỉ đạt 0,63/2,5 điểm, tỷ lệ 25,2% (Tổng số TTHC mức độ 3 của tỉnh  là 690, số lượng TTHC có phát sinh hồ sơ thủ tục là 21; Tổng số TTHC mức độ 4: 1, số lượng TTHC mức độ 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến:1).

          - Tiêu chí  Dịch vụ bưu chính công ích đạt 1/2,5 điểm, tỷ lệ 40%, trong đó tỷ lệ TTHC đã triển khai có phát sinh hồ sơ tiếp nhận/trả kết quả giải quyết qua dịch vụ BCCI và Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua dịch vụ BCCI: đều đạt 0 điểm (Duy chỉ có Tỷ lệ kết quả giải quyết TTHC được trả qua dịch vụ  bưu chính công ích đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Bộ Nội vụ đạt 1/1 điểm (8.508/47.266 hồ sơ = 18%).

         * Chỉ số PAR INDEX tỉnh năm 2018:

         - Tiêu chí dịch vụ công trực tuyến: đạt 0/2,25 điểm bao gồm các tiêu chí: Tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm chỉ đạt 3,76% (so với quy định của Trung ương 60%), Tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3 đạt 11,3% (so với quy định của Trung ương 40%), Tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 4 đạt 1310/13984 hồ sơ = 0,09% (so với quy định của Trung ương 30%) . Như vậy, cả 03 tiêu chí thành phần của Tiêu chí DVCTT đều không đạt tỷ lệ quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ.

         - Dịch vụ bưu chính công ích: đạt 0,5/1,25 điểm trong đó Tỷ lệ TTHC đã triển khai có phát sinh hồ sơ tiếp nhận/trả kết quả giải quyết qua dịch vụ BCCI: Hà Tĩnh đạt 2,8% so với quy định của Trung ương 50% vì vậy điểm đạt được 0/0,25. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua dịch vụ BCCI: 0/0,5 điểm (0,4%) so với quy định của Trung ương 15%. Tỷ lệ kết quả giải quyết TTHC được trả qua dịch vụ BCCI: 0,5/0,5 (56,3%) so với quy định của Trung ương 15%.

          Nguyên nhân xuất phát từ việc thực hiện thao tác nộp hồ sơ trực tuyến đối với phần lớn người dân vẫn đang là một hình thức mới mẻ, chưa phù hợp với trình độ, kỹ năng của mọi tầng lớp người dân tham gia giao dịch, thiếu thiết bị, vẫn còn tâm lý muốn gặp cán bộ để trực tiếp trao đổi, nộp hồ sơ; cơ sở dữ liệu dùng chung còn thiếu; người dân, doanh nghiệp chưa yên tâm thực hiện TTHC qua bưu điện; các đơn vị, địa phương chưa tuyên truyền rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công trực tuyến và bưu chính công ích…

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh phát biểu tại Hội thảo

          Đại diện Lãnh đạo Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh: đề xuất một số giải pháp như triển khai đồng bộ việc luân chuyển hồ sơ nội bộ từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh và ngược lại cho tất cả các xã, huyện trên địa bàn tỉnh; thực hiện dịch vụ công TT tại điểm Văn hóa xã nâng cao tỷ lệ thực hiện DVC mức độ 3, mức độ 4; phối hợp xây dựng phương án chuyển bộ phận 1 cửa các cấp, ngành sang điểm giao dịch Bưu điện ...

          Tại Hội thảo đã có 9 ý kiến tham luận của các đại biểu được trình bày và 05 ý kiến phát biểu thảo luận về những bất cập, giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm và nêu rõ tình hình thực tiễn của việc triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích góc nhìn của sở, ngành cấp tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, bưu điện và của cả người dân, doanh nghiệp đã chỉ rõ những ưu điểm và hạn chế trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bưu chính công ích.

Ông Bùi  Đắc Thế,  Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông đại diện Chủ trì phát biểu kết luận tại Hội thảo.

          Hội thảo cũng chỉ ra những giải pháp để phát huy ưu điểm và triển khai có hiệu quả hơn nữa dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích như: tiếp tục tăng cường đẩy mạnh tuyên tuyền về lợi ích của DVC, BCCI cho người dân, doanh nghiệp dưới nhiều hình thức; đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ công, bưu chính công ích; tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chính TTHC theo hướng đơn giản, phù hợp với trình độ, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp đến giao dịch./.

                                                                                                                                                           Tin, ảnh: Trần Hoài Nam

                                                                                                                                          Phó Trưởng phòng CCHC và VTLT, Sở Nội vụ