PrintAaa

SÁP NHẬP THÔN, TỔ DÂN PHỐ TẠO SỨC MẠNH TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI TỈNH HÀ TĨNH

21:29 24/08/2015

Sau 03 năm triển khai thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố, Hà Tĩnh đã giảm được 693 thôn xóm, tổ dân phố. Đặc biệt, việc quy hoạch, sáp nhập, sắp xếp lại hệ thống thôn, tổ dân phố đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh - chính trị.

Từ chủ trương đúng

Thôn, tổ dân phố có vị trí hết sức quan trọng trong việc thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong quy luật chung ấy, hệ thống thôn xóm, tổ dân phố là nền tảng bền vững để đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, do lịch sử để lại và quá trình biến động dân cư, thực trạng quy mô thôn, tổ dân phố còn nhỏ, cơ cấu tổ chức hệ thống cán bộ cồng kềnh, kinh phí chi trả lớn nhưng hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến chất lượng phong trào của địa phương. Năm 2010 (thời điểm trước khi sáp nhập), Hà Tĩnh có 2837 thôn, tổ dân phố, trong đó có 1025 thôn có dưới 100 hộ (chiếm 36,13%). Tổng số cán bộ ở thôn, tổ dân phố là: 22.696 người, trong đó người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có 8.511 người (gồm 3 chức danh: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Công an viên). Ngân sách tỉnh, huyện, xã phải chi trả hàng năm cho đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố là trên 123 tỷ đồng (chưa tính các khoản đóng góp của dân và các tổ chức khác chi trả).

Đồng chí Phan Thị Tố Hoa, Phó Giám đốc Sở tham dự sinh hoạt cơ sở họp thôn tại huyện Kỳ Anh

Trước yêu cầu phát triển bền vững của quê hương trên con đường xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch hành chính càng trở nên cực kỳ quan trọng. Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố để có quy mô lớn hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng cơ sở hạ tầng ở cơ sở là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Trong khi Bộ Nội vụ đã ban hành quy định về điều kiện thành lập và quy chế hoạt động của thôn, tổ dân phố, chưa có quy đinh hoặc hướng dẫn tổ chức lại thôn, tổ dân phố hiện có, năm 2011 Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương và ban hành các quyết định, nghị quyết, chỉ thị về việc sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Khi bắt tay vào thực hiện, đa số ý kiến đồng thuận nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn, nghi ngờ, cho rằng việc làm này quá táo bạo bởi tiềm thức của một số  cán bộ xã, thôn còn mang tính duy ý chí, nên khi thực hiện chủ trương này  họ sẽ phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, từ một chủ trương đúng với công tác tuyên truyền vận động được thực hiện trước một bước để người dân thấu tận chủ trương của tỉnh đề ra nên việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, tinh giản bộ máy đã đạt được kết quả khả quan.

Triển khai thực hiện các chủ trương của tỉnh, Sở Nội vụ đã phối hợp các ngành, các huyện, thành phố, thị xã tham mưu tổ chức thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố và đạt được nhiều kết quả; đã ban hành kế hoạch về việc soát xét, cơ cấu, quy hoạch lại mạng lưới thôn, tổ dân phố; thành lập tổ công tác và phân công nhiệm vụ cho các thành viên xuống kiểm tra đôn đốc thực hiện ở các huyện, thành phố, thị xã, đồng thời ban hành nhiều Văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh nhiều ý kiến chỉ đạo trực tiếp trong các buổi tập huấn, cuộc họp, giao ban. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện và biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt trong năm 2011; tổ chức giao ban quý, 6 tháng với ngành Nội vụ các huyện để rà soát, đánh giá, đôn đốc, bổ cứu kịp thời. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thực hiện. Kịp thời kiểm tra, thẩm định hồ sơ, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Quyết định sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Các huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo do một đồng chí lãnh đạo huyện làm trưởng ban; thành lập các tổ chỉ đạo đến từng xã, phường, thị trấn do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ huyện, thành, thị ủy phụ trách địa bàn làm Tổ trưởng. Phòng Nội vụ cấp huyện là cơ quan thường trực để chỉ đạo, tham mưu thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố. Các đơn vị cấp huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Chỉ thị của cấp ủy, Đề án, kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp huyện để triển khai tuyên truyền, vận động xuống cơ sở thực hiện.

Các xã, phường, thị trấn xác định việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012, qua đó đã ban hành các loại văn bản chỉ đạo, tập trung rà soát, họp dân lấy ý kiến,… Tham mưu Hội đồng nhân dân cùng cấp ra Nghị quyết và trình hồ sơ sáp nhập thôn, tổ dân phố lên Ủy ban nhân dân cấp huyện theo đúng quy định.

Đến hiệu quả của sáp nhập thôn, tổ dân phố

Kết quả sáp nhập thôn, tổ dân phố tính đến nay trong toàn tỉnh giảm được 693 thôn, tổ dân phố. Đơn vị giảm được số lượng nhiều nhất là đơn vị huyện Hương Sơn, giảm được 120 thôn, tổ dân phố; đơn vị giảm được ít nhất là thành phố Hà Tĩnh giảm được 13 thôn, tổ dân phố.

Sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố toàn tỉnh có 2.144 thôn, tổ dân phố, trong đó có 180 thôn, tổ dân phố dưới 100 hộ, chiếm tỷ lệ: 8,3% (trước đây toàn tỉnh có 1.025 thôn, tổ dân phố dưới 100 hộ, chiếm tỷ lệ 36,13%). Số cán bộ thôn, tổ dân phố giảm được: 5544 người. Ngoài ra còn giảm được trên 8000 các chức danh khác ở thôn, tổ dân phố, như: Phó các chi hội, cán bộ Người cao tuổi, cán bộ Chữ thập đỏ, cán bộ Khuyến học, cán bộ Y tế,... Tổng chi ngân sách hằng năm giảm được do không phải chi trả phụ cấp và hỗ trợ cho số cán bộ thôn, tổ dân phố gần 30 tỷ đồng.

Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là chủ trương đúng đắn, được nhân dân đồng tình, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tạo quy mô thôn, tổ dân phố lớn hơn, có đủ các tổ chức trong từng thôn, tổ dân phố; góp phần xóa chi bộ sinh hoạt “ghép”, thôn, tổ dân phố chưa có đảng viên; thành viên của các chi hội đông hơn; có điều kiện phát huy nội lực của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng; giảm được số lượng cán bộ, giảm chi phí ngân sách và là điều kiện để xây dựng được đội ngủ cán bộ thôn, tổ dân phố có chất lượng hơn ... Xuất phát từ thực tế đó nhiều đơn vị đã triển khai sớm, có hiệu quả, đạt kết quả cao, hoàn thành sớm việc sáp nhập thôn, tổ dân phố như đơn vị huyện Đức Thọ, huyện Can Lộc; một số đơn vị tuy triển khai có chậm hơn nhưng thực hiện đồng bộ và giảm được nhiều thôn như: huyện Hương Sơn, huyện Thạch Hà.

Bài học kinh nghiệm

"Quy mô thôn, tổ dân phố là nền tảng của mọi phong trào". Trên tinh thần đó, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, sáp nhập, sắp xếp lại hệ thống thôn, tổ dân phố đảm bảo quy mô đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được kết quả đó, trước hết cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện, đến cơ sở thống nhất về mặt chủ trương, tư tưởng chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, văn bản có tính quy phạm của chính quyền như Nghị quyết của HĐND, Chỉ thị của UBND để chỉ đạo thống nhất trong toàn tỉnh. Tổ chức chỉ đạo khảo sát các thôn, tổ dân phố về diện tích đất đai, số nhân khẩu, số hộ, địa dư, cơ sở vật chất, phong tục tập quán, tư tưởng nguyện vọng của cán bộ và nhân dân để đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp; khẳng định được số thôn, tổ dân phố đủ điều kiện để nguyên, số thôn, tổ dân phố phải sáp nhập.

Trong quá trình thực hiện phải hoàn chỉnh hồ sơ theo tiến độ, theo từng nội dung, không phải xong các bước rồi mới tổ chức hoàn thiện hồ sơ như thế sẽ chậm và không chặt chẽ. Hồ sơ phải được xây dựng từ thôn, tổ dân phố đến cấp xã, cấp huyện và trình lên Sở Nội vụ thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định.

Gắn việc sáp nhập thôn, tổ dân phố đồng thời phải bàn nhân sự cấp ủy, ban cán sự thôn của đơn vị mới sau sáp nhập. Khi có Quyết định sáp nhập của Ủy ban nhân dân tỉnh thì công bố quyết định đồng thời công bố Ban Chấp hành Chi ủy, Ban cán sự thôn, tổ dân phố lâm thời; có chính sách hỗ trợ chế độ cho những cán bộ nghĩ việc do sáp nhập thôn, tổ dân phố theo quy định tại Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 22/4/2013 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Trong quá trình chỉ đạo sáp nhập thôn, tổ dân phố cần chỉ đạo tập trung, đồng bộ trong một thời gian nhất định đối với những đơn vị có thôn, tổ dân phố sáp nhập, không nên kéo dài thời gian chỉ đạo thực hiện. Đối với cấp ủy, chính quyền cấp trên trực tiếp phải thường xuyên chỉ đạo, tiến hành tổng kết, sơ kết để đúc rút kinh nghiệm. Phải có phương pháp chỉ đạo dân chủ nhưng tập trung và kiên quyết nhất là đối với cấp ủy, chính quyền cấp huyện.

Hiện nay, Hà Tĩnh đang tập trung quyết liệt phong trào xây dựng nông thôn mới; bài học từ công tác chỉ đạo sáp nhập thôn, tổ dân phố có tác dụng lan tỏa, có sức thuyết phục để chỉ đạo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh về đích theo kế hoạch./.

                                                                                                                                     Bài, ảnh:  Nguyễn Văn Thảo

                                                                               Trưởng phòng XDCQ&CTTN